Colchicin là một trong những thuốc điều trị Gout cấp tính được lựa chọn hàng đầu bởi tác dụng giảm đau, chống viêm. Cùng đi tìm hiểu về loại thuốc này để có thể đạt hiệu quả như mong muốn.
1. Colchicin là thuốc gì?
Tên chung quốc tế: Colchicine.
Thuốc Colchicin là một loại thuốc alcaloid có nguồn gốc từ thực vật Colchicum autumnale (Tỏi độc, Bả chó, Thủy tiên).
Colchicin thường được sử dụng để điều trị Gout cấp. Ngoài ra, nó được dùng để ngăn ngừa bệnh tiến triển ngay từ những triệu chứng đầu tiên hoặc một số bệnh lý viêm khác như sốt Địa Trung Hải có tính chất gia đình (sốt chu kỳ),...
Tin liên quan
2. Tác dụng dược lý của colchicin
Colchicin là loại thuốc để điều trị viêm và đau với những tác dụng như sau:
Ngăn ngừa bệnh Gout
Colchicin ngăn ngừa bệnh bằng cách hạn chế hình thành các kết tủa muối urat từ các tinh thể monosodium urat tại các mô khớp.
Cơ chế này là do nó làm giảm sự di chuyển của các bạch cầu, ức chế thực bào các vi tinh thể urat, từ đó làm ngừng sự tạo thành acid lactic, giữ cho pH duy trì tại mức bình thường.
Tác dụng chống viêm không đặc hiệu
Colchicin làm giảm sự di chuyển, chức năng của bạch cầu đa nhân và bạch cầu trung tính, thường dẫn đến kích hoạt interleukin-1 - một chất trung gian qua trọng của phản ứng viêm nên làm giảm cách giảm các phản ứng viêm.
Tuy nhiên, tác dụng chống viêm của colchicin chỉ ở mức độ yếu.
Ngoài ra, nó còn làm tăng sức bền mao mạch, phân hủy tế bào lympho, ức chế in vitro khả năng ngưng tập kết và kết dính tiểu cầu, ức chế phó giao cảm,...
3. Dược động học của colchicin
Colchicin làm giảm cơn đau do bệnh Gout và các bệnh lý viêm bằng cách tác động vào quá trình viêm của cơ thể. Quá trình động học của thuốc diễn ra như sau:
Hấp thu: Thuốc được hấp thu nhanh và gần như hoàn toàn tại ống tiêu hóa. Thuốc đạt nồng độ đỉnh huyết tương trong vòng 30 - 120 phút sau khi uống.
Phân bố: Sau đó được phân bố đến các mô khác nhau nhưng chủ yếu tập trung tại mô mật, gan và thận. Một lượng nhỏ được phân bố tại tim, phổi, mô ruột và dạ dày.
Chuyển hóa: Colchicin được chuyển hóa tại gan thông qua quá trình khử methyl thành các chất chuyển hóa chính (2-O-demethylcolchicin và 3-O-demethylcolcicin) và một chất chuyển hóa phụ (10-O-demethylcolchicin).
Thải trừ: Thuốc được đào thải chủ yếu theo phân (80%) và nước tiểu (10 - 20%). Khi liều hàng này cao hơn 1mg thì colchicin sẽ tích tụ tại các mô và có thể dẫn đến ngộ độc.
4. Dạng bào chế và giá thuốc colchicin
Một số dạng bào chế và giá thuốc mà người bệnh có thể tham khảo:
4.1. Dạng bào chế
Viên nén: Colchicin 1 mg; Colchicin 0,6 mg; Colchicin 0,5 mg; Colchicin 0,25 mg.
Viên nang mềm: Colchicin 1 mg.
Dung dịch tiêm tĩnh mạch: Colchicin 500 mcg/mL.
4.2. Giá thuốc tham khảo
Giá thuốc dao động trong khoảng 500 - 5.600 VNĐ/1 viên. Giá của một vài thuốc như sau:
Colchicin 0,5 mg: 880 VNĐ/viên. Sản xuất tại Việt Nam.
Colchicin: 650 VNĐ/viên. Sản xuất tại Việt Nam.
Thuốc Colchicina Seid 1 mg Tablet: 5.600 VNĐ/ viên. Sản xuất tại Tây Ban Nha.
Colchicine RVN 1 mg: 1.900 VNĐ/viên. Sản xuất tại Việt Nam.
Colchicine RVN 0,5 mg: 1.000 VNĐ/viên. Sản xuất tại Việt Nam.
5. Chỉ định
Colchicin được chỉ định trong các bệnh sau:
Các đột Gout cấp tính: Colchicin được dùng để ngăn chặn hoặc giảm đau trong các đợt Gout cấp tính. Ngoài ra, nó cong dùng để chẩn đoán viêm khớp do Gout (nếu có đáp ứng với colchicin thì chứng tỏ có tinh thể acid uric, nhất là tại các khớp nhỏ).
Phòng tái phát viêm khớp và điều trị Gout dài ngày: Colchicin thường được kết hợp với probenecid để tăng khả năng dự phòng.
Bệnh sốt Địa Trung Hải có tính chất ở gia đình ở người lớn và trẻ em từ 4 tuổi trở lên.
Viêm màng ngoài tim cấp tính: Colchicine là một lựa chọn điều trị hiệu quả và được khuyến nghị trong việc bệnh nhân viêm màng ngoài tim sau STEMI và viêm màng ngoài tim cấp tính vô căn hoặc do virus.
Bên cạnh đó, colchicin được chỉ định trong một số bệnh như phòng ngừa hội chứng sau phẫu thuật tim, hội chứng Sweet (bệnh da liễu bạch cầu trung tính cấp tính), viêm mạch ở da vô căn.
6. Liều dùng và cách dùng
Liều dùng của colchicin mà người bệnh có thể tham khảo như sau:
6.1. Liều dùng cho người lớn
Theo hướng dẫn sử dụng Colchicin trong điều trị Gout trong Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh về xương khớp của Bộ Y tế năm 2014 như sau:
Chống viêm, giảm đau trong cơn Gout cấp hoặc đợt cấp của Gout mạn
Sử dụng liệu 1 mg/ngày. Có thể phối hợp với một thuốc NSAID (nếu không có chống chỉ định của thuốc này) để tăng hiệu quả cắt cơn Gout.
Trường hợp người bệnh có chống chỉ định với NSAIDs, dùng colchicin với liều 1mg x 3 lần trong ngày đầu tiên (có thể cho 0,5mg cách nhau 2 giờ một lần, nhưng không quá 4 mg); 1 mg x 2 lần trong ngày thứ hai; 1 mg từ ngày thứ ba trở đi.
Triệu chứng tại khớp sẽ giảm nhanh sau khoảng 24 - 48 giờ sử dụng.
Test colchicin
2 ngày đầu: 1 mg x 3 lần; sau 48 giờ triệu chứng tại khớp sẽ giảm nhanh.
Tuy nhiên, sau 48 giờ thường có tiêu chảy, cần kết hợp một số thuốc như loperamid 2 mg, 1 viên/lần, 2 lần/ngày.
Dự phòng tái phát
Liều dùng: 0,5 - 1,2 mg. Uống 1 - 2 lần/ngày, trung bình 1mg/ngày trong khoảng ít nhất 6 tháng.
Cần giảm liều cho người bệnh thận mạn, cao tuổi (trên 70 tuổi),...
Trường hợp không sử dụng được colchicin, có thể dự phòng bằng NSAIDs liều thấp.
Ngoài ra, colchicin điều trị các bệnh lý khác với liều dùng như sau:
Viêm màng ngoài tim cấp tính hoặc tái phát
Bệnh nhân từ 70kg trở lên: Uống 1 - 1,2 mg mỗi 12 giờ ngày thứ nhất và sau đó dùng liều duy trì với liều 0,5 - 0,6 mg hai lần mỗi ngày.
Bệnh nhân < 70 kg hoặc không thể dung nạp liều cao hơn: Uống 0,5 - 0,6 mg; cách nhau 12 giờ mỗi ngày.
Phòng ngừa hội chứng sau phẫu thuật
Bệnh nhân từ 70 kg trở lên: Uống 0,5 - 0,6 mg x 2 lần/ngày trong 1 tháng.
Bệnh nhân < 70 kg: Uống 0,5 - 0,6 mg 1 lần/ngày trong 1 tháng.
Hội chứng Sweet
Liều dùng: Uống 1 - 1,5 mg/ngày, 1 - 3 lần/ngày trong khoảng 15 ngày.
Viêm mạch ở da vô căn
Liều dùng thông thường: Uống 0,6 mg/lần x 2 lần/ngày.
Nếu không đáp ứng sau 1 đến 2 tuần, có thể tăng lên 0,6 mg/lần x 3 lần/ngày.
6.2. Liều dùng cho trẻ
Trẻ từ 4 đến 6 tuổi: Uống 0,3 - 1,8 mg/ngày, chia 1 đến 2 lần/ngày.
Trẻ từ 6 tuổi đến 12 tuổi: Uống 0,9 - 1,8 mg/ngày; chia 1 đến 2 lần/ngày.
Trẻ từ 12 tuổi trở lên: Uống 1,2 - 2,4 mg/ngày; chia 1 đến 2 lần/ngày.
Trên đây chỉ là những thông tin mà người bệnh có thể tham khảo. Do vậy, trước khi sử dụng loại thuốc nào người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn và sử dụng thuốc hợp lý.
7. Chống chỉ định
Suy thận nặng.
Suy gan nặng.
Phụ nữ mang thai và cho con bú.
Bệnh nhân rối loạn tế bào máu.
Bệnh nhân suy gan hoặc suy thận đang sử dụng thuốc ức chế P-Glycoprotein hoặc CYP3A4.
Người bệnh quá mẫn với colchicin.
8. Thận trọng
Không sử dụng quá liều so với chỉ dẫn của bác sĩ do colchicin là chất có khoảng điều trị hẹp và có độc tính cao.
Khi điều trị Gout cấp: Phải thận trọng ở người suy thận hoặc suy gan.
Thận trọng với người cao tuổi do dễ tích tụ thuốc dẫn đến ngộ độc.
Không được tiêm colchicin vào cơ thể theo đười dưới da hay tiêm bắp vì sẽ gây đau ở chỗ tiêm.
9. Tác dụng không mong muốn (ADR)
Với khoảng điều trị hẹp và độc tính cao, colchicin có thể gây một số tác dụng không mong muốn sau 24 giờ sau khi uống như sau:
Thường gặp: Buồn nôn, nôn, đau bụng. Liều cao gây chảy máu dạ dày - ruột, nổi ban, tổn thương thận, tiêu chảy nặng.
Hiếm gặp: Viêm thần kinh ngoại biên, rụng tóc, tối loạn về máu khi điều trị dài ngày, giảm tinh trùng.
Biến chứng nguy hiểm nhất có thể xảy ra khi ngộ độc colchicin trong khoảng thời gian từ 24 - 72 giờ sau khi uống, đó là suy đa cơ quan và tử vong do ức chế hô hấp dẫn đến trụy tim mạch.
10. Hướng dẫn xử lý ADR
Khi xuất hiện các tác dụng không mong muốn như đã kể trên, người bệnh cần kịp thời xử lý bằng cách:
Ngừng dùng colchicin hoặc phải giảm liều vì đó là dấu hiệu đầu tiên của ngộ độc.
Trường hợp quá liều colchicin nên rửa dạ dày và thực hiện các biện pháp hỗ trợ để ngăn ngừa sốc.
11. Tương tác
Khi dùng thuốc, người bệnh nên chú ý các tương tác giữa colchicin với thuốc cũng như thực phẩm để tránh các tác dụng không mong muốn.
11.1. Tương tác thuốc
Dùng đồng thời colchicin và ciclosporin làm tăng độc tính của cyclosporin.
Colchicin dùng đường uống làm giảm hấp thu vitamin B12, mỡ, natri, kali do tác động độc đối với niêm mạc ruột non.
Nguy cơ ngộ độc tăng khi dùng kèm với các thuốc ức chế CYP450 3A4 hoặc P-glycoprotein như thuốc chống nấm nhóm azol, thuốc chẹn kênh Calci, kháng sinh Macrolid.
11.2. Tương tác với thực phẩm
Người bệnh đang được điều trị bằng Colchicin nên tránh ăn bưởi và nước ép bưởi. Bởi nước bưởi có thể làm tăng nồng độ colchicin trong huyết thanh do ức chế chất chuyển hóa trung gian CYP450 3A4 và P-Glycoprotein.
12. Độ ổn định và bảo quản
Thuốc được bảo quản ở 20 - 25 độ C. Tránh ánh sáng và độ ẩm.
Trên đây là những thông tin về thuốc colchicin chữa bệnh Gout. Hy vọng bài chia sẻ có thể hữu ích đối với người bệnh Gout. Nếu thấy bài viết hay, hãy like và chia chia sẻ bài viết này đến mọi người xung quanh nhé.