Xét nghiệm bệnh Gout sớm bước nào, bớt nguy hiểm bước đấy!
Vốn được mệnh danh là “căn bệnh nhà giàu” nên sức công phá của Gout cũng “giàu” một cách đúng nghĩa. Âm thầm và từ từ phát triển, Gout gây nên các tổn thương khớp…biến dạng khớp…cắt cụt chi…sỏi thận…suy thận… rồi thậm chí là tử vong.
Vì vậy, nếu có thể tốt nhất bạn nên thực hiện các xét nghiệm bệnh Gout dưới đây định kì, để có thể phát hiện sớm và điều trị hiệu quả ngay khi Gout có cơ hội nhen nhóm phát triển nhé!
1. Xét nghiệm dịch khớp
Xét nghiệm dịch khớp là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh Gout. Nếu trong dịch khớp có chứa tinh thể muối urat, có nghĩa là bạn đã bị bệnh Gout.
Vậy làm thế nào để có thể xác định sự tồn tại của tinh thể muối trong dịch khớp của bạn?
- Bắt đầu, bác sĩ sẽ tiêm thuốc gây tê cục bộ giúp làm tê liệt các mô mềm trên khớp.
- Sau vài phút, một cây kim sẽ được đưa vào khớp cần kiểm tra để lấy ra một mẫu dịch khớp.
- Mẫu dịch khớp này sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích nhờ kính hiển vi.
Khi quan sát qua kính hiển vi, nếu trong dịch khớp có các tinh thể urat, có thể chẩn đoán bạn đã bị bệnh Gout.
Tuy nhiên, nếu trong dịch khớp không có chứa tinh thể urat cũng không thể “loại trừ” khả năng bạn bị Gout. Bởi đôi khi, không thể quan sát được tinh thể ở lần đầu tiên, nhưng lại có thể thấy nó trong một đợt Gout cấp tiếp theo.
2. Xét nghiệm axit uric máu
Đây có lẽ là loại xét nghiệm giúp những người bệnh “tự” chẩn đoán Gout một cách dễ dàng nhất. Mọi người thường tự mặc định rằng “axit uric máu cao” đồng nghĩa với việc họ đã “bị bệnh Gout”.
NHƯNG quan niệm này là sai lầm.
Nếu axit uric máu cao bạn chỉ có nguy cơ cao hơn bị bệnh Gout, chứ không thể kết luận bạn đã bị Gout.
Một số người có nồng độ axit uric cao nhưng họ không bao giờ gặp phải các triệu chứng của bệnh Gout. Cũng như, một số người có triệu chứng của bệnh Gout, nhưng không có nồng độ axit uric cao bất thường trong máu.
Như vậy, dù thể sử dụng một mình kết quả axit uric máu để chẩn đoán xác định bệnh Gout, nhưng chỉ số này sẽ giúp theo dõi hiệu quả điều trị Gout của bạn.
- Bình thường, nồng độ axit uric trong máu luôn được giữ ổn định ở trong khoảng 3.5 – 7.2. mg/dl.
- Khi nồng độ axit uric máu trên 7.0 mg/dl ở nam giới và trên 6.0 mg/dl ở nữ giới, thì được gọi là tăng axit uric máu.
- Nếu bạn đã bị Gout, việc điều trị sẽ cố gắng nhằm duy trì mức axit uric ít nhất là cần dưới mức 6.0 mg/dl.
>>> Tuy không chính xác tuyệt đối, nhưng bạn có thể sắm sửa cho mình chiếc máy đo nồng độ axit uric tại nhà để có thể thường xuyên theo dõi sự cải biến của nồng độ axit uric máu.
3. Xét nghiệm axit uric nước tiểu
Xét nghiệm nước tiểu được sử dụng để kiểm tra nồng độ axit uric trong nước tiểu. Thông thường, một người có nồng độ axit nước tiểu trong khoảng 250 – 750 mg. Nếu bạn có nồng độ axit uric cao hơn, có khả năng là bạn đã bị bệnh Gout.
Dẫu vậy, cũng như cũng như xét nghiệm máu, xét nghiệm axit uric nước tiểu chỉ là một xét nghiệm bổ sung củng cố chẩn đoán Gout. Nó không được sử dụng một mình để chẩn đoán bệnh Gout. Thay vào đó, nếu bạn thuộc nhóm người có nguy cơ cao mắc Gout, bạn sẽ được bác sĩ chỉ định thêm xét nghiệm này để đánh giá nguy cơ bị sỏi urat, nhằm đưa ra phác đồ điều trị Gout hiệu quả nhất.
4. Xét nghiệm creatinin huyết thanh
Xét nghiệm creatinin huyết thanh nhằm đánh giá chức năng thận để biết rằng liệu có phải vì suy giảm chức năng thận gây giảm khả năng lọc bỏ axit uric mà dẫn đến hay tình trạng tăng nồng độ axit uric máu hay bệnh Gout không.
Creatinin là sản phẩm của quá trình thoái hóa creatin (protein của cơ) được đào thải qua thận và hầu như không phụ thuộc vào chế độ ăn uống protein. Và vì khối lượng cơ ở mỗi người là tương đối hằng định, nên nồng độ creatinin huyết tương chỉ phụ thuộc vào khả năng lọc của thận.
Khi chức năng thận bị suy giảm thì khả năng lọc sẽ giảm, dẫn tới nồng độ creatinin trong máu sẽ tăng cao hơn bình thường.
Như vậy:
Nồng độ creatinin bình thường ở nam giới là 0.6 – 1.2. mg/ml và ở nữ giới là 0.5 - 1.1. mg/dl.
Khi nồng độ creatinin của bạn cao hơn bình thường cùng với đó là các chỉ số xét nghiệm khác đều tố cáo Gout thì có thể chính thận của bạn là nguyên nhân gây nên bệnh Gout hay nói một cách khác bệnh Gout là hậu quả của suy giảm chức năng thận.
5. Xét nghiệm ure máu
Tương tự, chỉ số creatinin, chỉ số ure máu đôi khi cũng được thực hiện trong chẩn đoán Gout để xác định nguyên nhân gây bệnh Gout tại thận. Nhưng nó không “tốt” như chỉ số creatinin.
Bởi vì ngoài chức năng thận, còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến nồng độ ure máu như thức ăn, bệnh gan,..nên có thể khi chức năng thận giảm rõ rệt nhưng mức ure máu vẫn bình thường.
>>> Các xét nghiệm chức năng thận không chỉ đơn thuần được sử dụng để xác định nguyên nhân Gout mà còn để theo dõi biến chứng trên thận của Gout. Ở những người bệnh Gout, thận là một trong những cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất, vì thận cần làm việc “cật lực” hơn để loại bỏ axit uric dư thừa khỏi cơ thể. Muối của axit uric lại rất dễ kết tinh tại thận gây sỏi thận.
>>> Xem thêm: Biến chứng suy thận
6. Chụp X – quang khớp
Chụp X – quang sẽ cho thấy hình ảnh lắng đọng tinh thể urat tại sụn khớp khi bạn bị những cơn Gout cấp đầu tiên, hoặc ngay cả khi bệnh Gout của bạn chưa biểu lộ ra những triệu chứng lâm sàng.
Thông qua hình ảnh X – quang khớp, bác sĩ cũng sẽ thấy được các tổn thương khớp do bệnh Gout nếu có.
Ngoài ra, chụp X – quang khớp còn hữu ích để chẩn đoán loại trừ các nguyên nhân gây ra các cơn đau khác không phải Gout, chẳng hạn như chấn thương khớp.
7. Chụp CT khớp
Xét nghiệm hình ảnh này giúp phát hiện sự hiện diện của tinh thể urat trong khớp, ngay cả khi nó không bị viêm cấp tính.
Tuy nhiên, trên thực tế, chụp CT khớp không được sử dụng thường xuyên vì không phải cơ sở y tế nào cũng có thiết bị này và chi phí cũng cao hơn.
8. Siêu âm
Siêu âm giúp phát hiện sớm các biến đổi ở phần mềm, xương và sụn khớp do bệnh Gout gây ra, bao gồm hình ảnh khuyết xương, lắng đọng tinh thể urat trên bề mặt sụn khớp, tràn dịch khớp, hạt tophi.
Trên thực tế, bác sĩ thường sử dụng siêu âm trong chẩn đoán Gout nếu bạn mới bắt đầu gặp các triệu chứng hoặc tái phát các đợt cấp Gout.
So với chụp CT và chụp X – quang, siêu âm an toàn hơn vì nó không sử dụng các bức xạ ion hóa. Nó cũng là thiết bị cầm tay, phổ biến ở mọi cơ sở y tế. Dẫu vậy, siêu âm không thể cho hình ảnh cấu trúc chi tiết hơn của khớp.
Gout thật sự tiềm ẩn rất nhiều biến chứng nguy hiểm! Đặc biệt, Gout cũng đang ngày càng gia tăng và trẻ hóa với tốc độ chóng mặt. Vì thế, nếu có thể tốt nhất bạn nên định kỳ thực hiện các xét nghiệm bệnh Gout để phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời nhé!