Viêm thoái hóa khớp gối cũng là một trong những “cơn ác mộng” đối với nhiều người bước vào tuổi trung niên bởi căn bệnh này gây ra nhiều hệ lụy cho người bệnh nếu không có biện pháp điều trị phù hợp. Vậy bạn đã hiểu rõ về căn bệnh này chưa? Nguyên nhân, các triệu chứng và cách điều trị viêm thoái hóa khớp gối như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé.
1. Nguyên nhân viêm thoái hóa khớp gối
Viêm thoái hóa khớp gối phát triển khi sụn ở khớp gối bị mòn, dẫn đến sự phát triển quá mức của các xương bên dưới. Khi đó, sụn trở nên sần sùi làm cho người bệnh cảm thấy đau, sưng khớp và khó cử động.
Viêm thoái hóa khớp gối có thể phát triển ở mọi lứa tuổi nhưng thường phát triển nhiều nhất ở những người bệnh trên 50 tuổi, theo số liệu của Học viện phẫu thuật chỉnh hình Hoa Kỳ (AAOS). Tổ chức này cũng báo cáo rằng có khoảng một nửa số người cao tuổi sẽ bị viêm thoái hóa khớp gối.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm thoái hóa khớp gối bao gồm:
Tuổi càng cao, khả năng bị Viêm thoái hóa khớp gối càng cao
Tuổi tác: ở những người lớn tuổi (trên 50 tuổi) thường bắt đầu quá trình lão hóa với tốc độ khá nhanh, trong đó có thoái hóa khớp gối
Thừa cân, béo phì: làm tăng áp lực lên khớp gối.
Đã từng có chấn thương khớp gối trước đó.
Vận động quá nhiều, hoặc đứng quá lâu.
Tiền sử gia đình đã có người mắc viêm thoái hóa khớp gối.
- Trước đó đã từng mắc các bệnh về khớp như: bệnh to đầu chi, viêm khớp dạng thấp, bệnh hemochromatosis.
2. Các giai đoạn của bệnh viêm thoái hóa khớp gối
Bệnh viêm thoái hóa khớp gối diễn ra trong nhiều giai đoạn khác nhau. Dưới đây là thông tin chi tiết về từng giai đoạn, các triệu chứng mà người bệnh có thể gặp phải.
2.1. Giai đoạn 1
Trong giai đoạn đầu của bệnh, bệnh nhân bị viêm thoái hóa khớp gối có thể cảm thấy đau đớn hoặc cảm thấy khó chịu. Hình ảnh của khớp trên X – Quang. Mức độ tổn thương trong giai đoạn này là nhẹ nhất, các sụn khớp sẽ có sự thiệt hại nhẹ.
2.2. Giai đoạn 2
Trong giai đoạn này, một người có thể bắt đầu nhận thấy các triệu chứng nặng dần lên và các bác sĩ có thể thấy một số dấu hiệu hao mòn. Hình ảnh xét nghiệm X-quang cho thấy sự phát triển của các gai xương nhiều hơn và sụn sẽ bắt đầu mỏng đi.
Người bệnh có thể bị cứng khớp hoặc đau khớp gối. Khu vực xung quanh khớp gối có thể bắt đầu cảm thấy đặc biệt cứng và khó chịu sau khi người bệnh ngồi trong thời gian dài.
Cụ thể là có thể có một số thiệt hại nhỏ, phổ biến nhất là các xương đầu gối sẽ cọ xát vào nhau. Khi đó, chất hoạt dịch sẽ thường xuất hiện để giúp làm giảm ma sát và hỗ trợ chuyển động của đầu gối.
Các xương đầu gối cọ xát vào nhau gây ra ĐAU
2.3. Giai đoạn 3
Lúc này thì tổn thương ở sụn đã tiến triển, khoảng cách giữa xương bị thu hẹp và hình ảnh chẩn đoán trên X - Quang sẽ cho thấy sự mất sụn.
Người bệnh lúc này có thể cảm thấy đau và khó chịu trong khi thực hiện các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như chạy, đi bộ, quỳ và uốn cong chân.
Khi viêm thoái hóa khớp gối tiến triển, sụn sẽ tiếp tục mỏng đi và vỡ ra. Xương sẽ phản ứng bằng cách dày lên và phát triển ra bên ngoài và tạo thành các cục.
Các mô tuyến khớp sẽ bị viêm và nó có thể sản xuất thêm chất lỏng hoạt dịch, dẫn đến sưng tăng. Đây được gọi là viêm bao hoạt dịch.
2.4. Giai đoạn 4
Đây chính là giai đoạn tiến triển nhất của viêm khớp và các triệu chứng đã trở nên rất rõ ràng. Khoảng cách giữa các xương trong khớp đã tiếp tục bị thu hẹp, khiến sụn bị phá vỡ mạnh mẽ hơn nữa.
Kết quả là xuất hiện tình trạng cứng khớp, viêm khớp gối liên tục và ít chất lỏng xung quanh khớp. Do đó, xuất hiện nhiều ma sát trong khớp làm cho bệnh nhân cảm thấy đau và khó chịu rất nhiều trong khi di chuyển.
Trong nhiều trường hợp nghiêm trọng, xương có thể bị biến dạng và gây đau đớn do mất sụn không đối xứng. Ở giai đoạn này thì việc điều trị bằng phẫu thuật thường là lựa chọn duy nhất.
Phẫu thuật là lựa chọn điều trị cuối cùng
3. Điều trị viêm thoái hóa khớp gối
Điều trị viêm thoái hóa khớp gối dựa trên những giai đoạn tiến triển của bệnh. Cụ thể như sau:
3.1. Giai đoạn 1
Trong giai đoạn này, các bác sĩ thường kê đơn một số loại thuốc giảm đau cho bệnh nhân như: acetaminophen và một số thuốc thuộc nhóm NSAIDS khác.
Bên cạnh đó, một số bài tập vật lý trị liệu có thể được áp dụng cho các bệnh nhân nhằm mục đích tăng cường sự vận động cho khớp gối, làm chậm quá trình lão hóa và tăng cường sức mạnh cho khớp gối.
Ngoài ra, cũng có một số khuyến nghị dùng chất bổ sung, chẳng hạn như glucosamine và chondroitin để cải thiện chức năng cho khớp gối nhưng cần cân nhắc khi sử dụng.
3.2. Giai đoạn 2
Một số phương pháp điều trị viêm thoái hóa khớp gối trong giai đoạn này có thể bao gồm:
Uống thuốc giảm đau.
Tham gia các buổi vật lý trị liệu để duy trì chức năng và hoạt động của khớp gối.
Mang giày trong quá trình đi lại để hạn chế những tổn thương lên đầu gối.
Đeo nẹp đầu gối để làm giảm áp lực lên các bề mặt khớp theo sự chỉ định của bác sĩ.
Nẹp đầu gối giúp hạn chế tổn thương lên đầu gối
Ở giai đoạn này, những người bị viêm khớp gối có thể cần thay đổi các hoạt động hàng ngày để tránh các cơn đau khớp gối đang ngày càng nặng lên.
3.3. Giai đoạn 3
Trong giai đoạn này, mức độ bệnh có sự tiến triển ngày một nặng hơn. Do đó, các phương pháp điều trị có thể bao gồm:
Sử dụng một số loại thuốc giảm đau, chẳng hạn như acetaminophen hoặc một số loại thuốc kê đơn theo sự chỉ định của bác sĩ trong trường hợp bệnh nhân đau nặng hơn như: codein, oxycodone.
Sử dụng thuốc chống viêm theo phác đồ điều trị của bác sĩ như: corticoid.
Ngoài ra, bác sĩ có thể tiêm cho bệnh nhân axit hyaluronic trong 3 - 5 tuần. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại thuốc này cần hết sức cẩn thận và phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ bởi đây đều là những nhóm thuốc có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm.
3.4. Giai đoạn 4
Ở giai đoạn này, sụn khớp đã bị mài mòn đáng kể hoặc biến mất hoàn toàn làm ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe của người bệnh. Vì vậy, trong giai đoạn này người có thể cần phẫu thuật để thay thế hoặc sắp xếp lại khớp.
4. Làm thế nào để phòng ngừa viêm thoái hóa khớp gối
Viêm thoái hóa khớp gối có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh. Chính vì thế, hiểu rõ những biện pháp phòng ngừa sẽ là chìa khóa vàng giúp bạn hạn chế nguy cơ mắc căn bệnh này. Mời bạn cùng tham khảo một số biện pháp dưới đây:
- Duy trì cân nặng hợp lý:
Duy trì cân nặng hợp lý
Trọng lượng cơ thể quá lớn có thể gây áp lực lớn lên đầu gối. Nếu tình trạng này kéo dài trong một khoảng thời gian quá lâu, có thể dẫn đến sụn khớp bị mài mòn.
Hơn thế nữa, chất béo dư thừa trong cơ thể cũng có thể khiến cho cơ thể sản xuất ra cytokine, một loại protein. Điều này dẫn tới tình trạng viêm ngày càng lan rộng hơn nữa và ảnh hưởng tới chức năng của khớp gối.
Do đó, điều cần thiết lúc này đó chính là bạn cần duy trì một mức cân nặng hợp lý để ngăn ngừa tình trạng viêm thoái hóa khớp gối có thể diễn ra bất cứ lúc nào.
- Kiểm soát tốt lượng đường trong máu
Nồng độ glucose trong máu cao có thể làm ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của sụn khớp gối. Chính vì thế những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường thường có nguy cơ đối mặt với căn bệnh viêm thoái hóa khớp gối rất cao.
Để kiểm soát tốt lượng đường trong máu, bạn cần xây dựng cho mình một chế độ ăn uống lành mạnh, chẳng hạn như: tiêu thụ nhiều rau xanh, hoa quả có chứa ít đường, chỉ nên ăn một mức vừa đủ thịt cá…
- Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục và vận động ở mức độ vừa phải có thể giúp các khớp linh hoạt, tăng cường cơ bắp hỗ trợ đầu gối và giảm nguy cơ mắc nhiều vấn đề khác liên quan tới sức khỏe.
Rất đơn giản, bạn có thể tập làm vườn, làm việc nhà, đi bộ hoặc bơi trong 30 phút mỗi lần, cố gắng kiên trì tập luyện khoảng 5 lần/tuần.
Bơi lội – Môn thể thao phù hợp với người bị Viêm thoái hóa khớp gối
- Giảm nguy cơ chấn thương
Sau khi gặp phải một vài chấn thương ở đầu gối, bộ phận này có nguy cơ gặp phải nhiều tổn thương và dẫn đến nhiều bệnh, một trong số đó phải kể đến viêm thoái hóa khớp gối.
Để giảm các chấn thương ở khớp gối thì bạn cần áp dụng những biện pháp như:
Giảm nguy cơ vấp ngã trong nhà, mang giày vừa vặn.
Sử dụng đồ bảo hộ trong khi chơi thể thao hoặc khi làm các công việc nguy hiểm để ngăn ngừa chấn thương.
Mong rằng qua những thông tin mà bài viết đã chia sẻ đã giúp bạn có thêm nhiều kiến thức đầy đủ, bổ ích về viêm thoái hóa khớp gối. Chúc bạn sẽ mạnh mẽ vượt qua căn bệnh này và tận hưởng nhiều niềm vui trong cuộc sống.