Các tiêu chuẩn chẩn đoán Gout chính xác để không “mua nhầm” nỗi lo lắng

Lương y Nguyễn Công Sáu
 Nguyễn Công Sáu

Các khớp của bạn bị đau một cách đột ngột và dữ dội? Chúng sưng tấy và ửng đỏ? Và bạn bắt đầu lo lắng khi mọi dấu hiệu có vẻ trùng khớp để chẩn đoán Gout – một căn bệnh ám ảnh bởi hình ảnh bàn tay biến dạng, các khớp xù xì, nổi cục với những hạt tophi?

Nhưng Gout thực sự không dễ dàng để có thể tự chẩn đoán như thế, vì rất nhiều căn bệnh lý  tại khớp khác cũng cho các dấu hiệu tương tự.

Tìm hiểu các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh Gout dưới đây để chẩn đoán một cách chính xác nhất và không vô tình “mua nhầm” nỗi lo lắng nhé!

Mục lục [ Ẩn ]
Chẩn đoán bệnh Gout
Hạt tophi - dấu hiệu điển hình trong chẩn đoán bệnh Gout

1. Khi nào bạn cần chẩn đoán bệnh Gout?

Nếu bạn:

  • Bị đau khớp đột ngột, dữ dội, đặc biệt là khởi phát vào ban đêm.
  • Khớp đau nhiều hơn khi bạn đụng vào nó.
  • Khớp bị sưng đỏ.
  • Vùng xung quanh khớp ấm hơn.
  • Và các triệu chứng này kéo dài trong một vài đến mười ngày.

Rất có thể bạn đã bị Gout, một bệnh viêm khớp do sự rối loạn chuyển hóa axit uric trong cơ thể, khiến nồng độ axit uric trong máu tăng cao và tích tụ thành các tinh thể lắng đọng tại các khớp gây viêm và gây ra các triệu chứng này.

Rõ ràng hơn, ở những người bệnh Gout nặng hơn, bạn sẽ trông thấy những u cục như bướu cây nổi lên ở dưới da. Nó được gọi là hạt tophi – những hạt được các tinh thể urat tích tụ và bồi đắp, lớn dần.

Tuy nhiên, nhìn chung, các triệu chứng ban đầu của bệnh Gout tương đối giống với các loại bệnh viêm khớp khác. Mỗi loại viêm khớp lại cần được một phác đồ điều trị hiệu quả riêng.

Những thuốc có tác dụng tốt đối với viêm xương khớp thông thường có thể lại không giúp ích cho bệnh viêm khớp do Gout của bạn.

Vì vậy, khi có bất kỳ triệu chứng nào kể trên, không thể kết luận sớm là Gout, bạn cần thực hiện nhiều xét nghiệm hơn để có thể chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả và ngăn ngừa các biến chứng vô cùng nguy hiểm của bệnh.

2. Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh Gout như thế nào?

Chẩn đoán bệnh Gout cần căn cứ vào dấu hiệu lâm sàng, các kết quả xét nghiệm.

2.1. Dấu hiệu lâm sàng

Để chẩn đoán Gout, trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi bạn về tiền sử bệnh tật, các triệu chứng mà bạn gặp phải cũng như thăm khám để biết:

  • Cơn đau khớp nặng đến mức nào?
  • Đau ở những khớp nào?
  • Vào thời điểm nào?
  • Bạn đã làm những gì trước khi cơn đau xảy ra?
  • Cơn đau kéo dài bao lâu rồi?
  • Tần suất cơn đau xuất hiện?

Thông thường, ở những người bị Gout, cơn Gout cấp đầu tiên thường xuất hiện trong độ tuổi 35 – 55. Một số ít người xuất hiện trước 25 tuổi, hoặc sau 65 tuổi.

Đặc biệt, đa phần các cơn đau này thường xảy ra sau bữa ăn “giàu” thịt, rượu, hoặc sau cảm xúc mạnh, sau chấn thương, sau khi bị nhiễm khuẩn, hoặc dùng các thuốc lợi niệu như thiazid,…

60-70% cơn đau gout cấp đầu tiên là gặp ở khớp bàn tay, ngón chân cái, ít gặp hơn là ở bị ở khớp cổ chân, đầu gối, bàn tay, cổ tay, khuỷu tay, hiếm khi ở khớp háng, khớp vai hay khớp cột sống. 

Khớp sưng to, căng bóng, đỏ, đau dữ dội, ngày càng tăng và chạm nhẹ cũng rất đau. Cơn Gout cấp kéo dài nhiều ngày, thường từ 5-7 ngày rồi sau đó các triệu chứng giảm dần.

Nếu những đặc điểm này khiến bác sĩ nghi ngờ Gout, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm bổ sung để loại trừ những bệnh tật khác và chẩn đoán chính xác có phải bạn bị Gout hay không.

2.2. Dấu hiệu cận lâm sàng

Trừ khi các hạt tophi xuất hiện, còn các triệu chứng lâm sàng khác như đau, sưng khớp,…sẽ chỉ giúp bác sĩ “nghi ngờ” bệnh Gout. Để chẩn đoán chính xác bệnh Gout bạn cần phải thực hiện thêm các xét nghiệm dưới đây:

* Xét nghiệm dịch khớp: Một cây kim sẽ được đưa vào khớp để lấy dịch khớp ra và kiểm tra. Nếu dịch khớp có chứa tinh thể muối urat, có nghĩa là bạn đã bị Gout.

Tuy nhiên, không chứa tinh thể urat cũng không loại trừ khả năng bạn bị bệnh. Bởi đôi khi, tinh thể này không được tìm thấy sau cơn Gout cấp đầu tiên, nhưng lại có thể thấy nó trong cơn Gout cấp tiếp theo.

* Xét nghiệm axit uric máu: Đây là một xét nghiệm thường gặp để chấn đoán Gout. Dẫu vậy, chỉ số axit uric cao chỉ có thể xác nhận rằng bạn có nguy cơ bị bệnh Gout cao hơn, chứ không thể kết luận bạn đã bị Gout.

Một số người có nồng độ axit uric cao nhưng họ lại không gặp “rắc rối” với các triệu chứng của bệnh Gout như một số người có nồng độ axit uric thấp hơn.

Axit uric máu là chỉ số đặc trưng trong chẩn đoán Gout
Axit uric máu - xét nghiệm thường gặp trong chẩn đoán Gout

* Xét nghiệm axit uric nước tiểu: Cũng như xét nghiệm máu, chỉ một mình xét nghiệm axit uric trong nước tiểu cao không thể kết luận bệnh Gout.

Tuy nhiên, nếu bạn thuộc nhóm người có nguy cơ cao bị Gout, bác sĩ có thể chỉ định thêm xét nghiệm này nhằm đánh giá nguy cơ bị sỏi urat và đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất.

* Chụp X – quang, CT, siêu âm khớp: Các xét nghiệm hình ảnh này có thể sẽ được chỉ định để chẩn đoán Gout. Chúng cho thấy hình ảnh lắng đọng của tinh thể urat tại sụn khớp và cũng xác định những tổn thương khớp do bệnh Gout gây ra.

2.3. Chẩn đoán phân biệt

Mặc dù các triệu chứng của bệnh Gout có vẻ rất rõ ràng, rất đặc trưng và rất dễ dàng để nhận ra, nhưng có hai bệnh có các đặc điểm tương tự, rất dễ nhầm lẫn với Gout đó:

  • Bệnh giả Gout
  • Viêm khớp nhiễm trùng

Để phân biệt giữa bệnh Gout và các bệnh này, bác sĩ sẽ xem xét 4 yếu tố:

  • Tinh thể urat trong bao hoạt dịch.
  • Số lượng bạch cầu (đánh giá nhiễm trùng).
  • Nuôi cấy vi khuẩn của dịch khớp (kiểm tra nhiễm trùng).
  • Vị trí đau khớp.

* Bệnh Gout:

Gout thường sẽ có một số đặc điểm chẩn đoán khác biệt với các bệnh khác, bao gồm:

  • Phân tích dịch khớp, có thấy tinh thể hình kim.
  • Số lượng bạch cầu: dưới 50.000 .
  • Nuôi cấy vi khuẩn dịch khớp: âm tính (tức là không bị nhiễm khuẩn).
  • Vị trí đau khớp: thường là ngón chân cái, giữa bàn chân hoặc mắt cá chân.

* Viêm khớp nhiễm khuẩn:

Viêm khớp nhiễm khuẩn là căn bệnh được gây ra bởi nhiễm trùng khớp do vi khuẩn, căn bệnh có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

So với các yếu tố trên, nó khác bệnh Gout như sau:

  • Phân tích dịch khớp, không có thấy tinh thể hình kim.
  • Số lượng bạch cầu: thường trên 50.000 .
  • Nuôi cấy vi khuẩn dịch khớp: dương tính (tức là có bị nhiễm khuẩn).
  • Vị trí đau khớp: thường là các khớp lớn như khớp đầu gối, khớp hông hoặc vai.

* Bệnh giả Gout:

Các triệu chứng của bệnh giả Gout rất dễ khiến nhiều người lầm tưởng rằng họ đã bị bệnh Gout.

Các cơn đau cũng xuất hiện đột ngột, sưng đau tại một hoặc nhiều khớp, đau kéo dài nhiều ngày hoặc nhiều tuần. Nhưng thực chất đây là căn bệnh viêm khớp được hình thành do sự lắng đọng calcium pyrophosphate dihydrate.

Bệnh giả Gout phân biệt với bệnh Gout thông qua:

  • Phân tích dịch khớp, có thấy các tinh thể hình thoi.
  • Số lượng bạch cầu: dưới 50.000.
  • Nuôi cấy vi khuẩn dịch khớp: âm tính.
  • Vị trí đau khớp: thường là đầu gối hoặc cổ tay.

Như vậy, chẩn đoán Gout không đơn giản chỉ căn cứ vào nồng độ axit uric máu cao. Nhiều người vượt ngưỡng axit uric bình thường nhưng vẫn bị bệnh. Vì vậy, khi có bất cứ triệu chứng nào nghi ngờ bệnh Gout, bạn nên gặp bác sĩ để nhận được chẩn đoán chính xác nhất nhé!

Hoặc liên hệ theo hotline dưới đây để được các chuyên gia tư vấn nhanh nhất về tình trạng cũng như cách cải thiện bệnh gout.

0961 666 383

Xếp hạng: 3 (2 bình chọn)

KINH NGHIỆM ĐỐI PHÓ VỚI BỆNH CƠ - XƯƠNG - KHỚP - DÂY THẦN KINH