Nhiều năm trước, đột quỵ được coi là bệnh lý nguy hiểm và vô phương cứu chữa. Nhưng với nền y học phát triển như hiện nay, đây là bệnh có thể ngăn cản được. Cùng tìm hiểu thông tin về bệnh lý này, để có kiến thức ngăn cản bệnh từ dấu hiệu đầu tiên nhé.
1. Đột quỵ (stroke) là gì?
Đột quỵ (hay tai biến mạch máu não) là tình trạng lưu lượng máu tới não bị giảm đột ngột hoặc bên trong sọ bị chảy máu.
Điều này dẫn đến giảm, mất chức năng hoặc chết các tế bào não. Trong vòng vài phút nếu tế bào não của bệnh nhân không được cung cấp đủ máu sẽ bắt đầu chết.
Do đó, người bị đột quỵ cần phải được cấp cứu ngay lập tức, thời gian càng kéo dài, số lượng tế bào não chết càng nhiều. Việc này làm ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong.
Nếu thoát khỏi cơn đột quỵ, hầu hết mọi người đều có di chứng để lại như tê liệt, mất ngôn ngữ, suy giảm thị giác, hoặc cử động yếu một phần cơ thể,...
>> Xem thêm về Bệnh Gout
2. Các loại đột quỵ chính
Trên lâm sàng, các bác sĩ chia đột quỵ làm 2 loại chính:
2.1. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ
Loại đột quỵ này chiếm khoảng 85% số ca đột quỵ, gây ra bởi tình trạng tắc nghẽn trong động mạch. Có 2 loại đột quỵ do thiếu máu cục bộ phổ biến là:
Đột quỵ do huyết khối: Tình trạng tắc nghẽn gây ra bởi một cục máu đông (huyết khối) hình thành trong một động mạch ở cổ hoặc não. Những động mạch này có thể có các mảng bám do chất béo tích tụ chất béo.
Đột quỵ do tắc mạch: Cục máu đông hình thành ở đâu đó trong cơ thể (thường là tim) và di chuyển đến não gây ra tình trạng nghẽn mạch.
2.2. Đột quỵ do xuất huyết
Động mạch não hoặc trên bề mặt não có vết nứt dẫn tới tình trạng xuất huyết và gây đột quỵ. Vị trí xuất huyết có thể ở trong não, hoặc trong khoảng không giữa não và lớp bảo vệ bên ngoài của não.
Ngoài ra, đột quỵ còn một dạng đó là cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA).
Loại đột quỵ này chỉ kéo dài vài phút, gây ra bởi sự giảm tạm thời của dòng máu cung cấp tới não ,nhưng được coi là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ cao cần liên hệ ngay với bác sĩ.
3. Dấu hiệu của đột quỵ
Đột quỵ cướp đi tính mạng của người bệnh rất nhanh. Do đó, ngay sau khi xuất hiện các dấu hiệu sau, bệnh nhân cần được mang đi cấp cứu ngay.
Mặt, cánh tay hoặc chân bị tê cứng, nhiều trường hợp còn liệt cả một bên của cơ thể. Nếu bạn không thể nâng hai tay qua đầu cùng một lúc, hoặc cười một cách bình thường, bạn có thể đang bị đột quỵ.
Mờ mắt hoặc thị lực bị giảm một cách đột ngột ở một hoặc cả hai mắt, hoặc nhìn đôi.
Đột ngột mất thăng bằng, chóng mặt, mất phối hợp.
Ú ớ, khó nói hoặc khó diễn tả các câu đơn giản.
Đau đầu tại một vị trí khu trú, không rõ nguyên nhân và xuất hiện nhanh; có thể kèm theo nôn mửa.
4. Nguyên nhân dẫn đến đột quỵ
Có nhiều nguyên nhân làm giảm dòng máu tới não hoặc xuất huyết ở não dẫn tới bệnh đột quỵ. Bao gồm:
4.1. Các yếu tố không thể thay đổi
Tuổi tác: Đột quỵ hay xảy ra ở người già hơn là người trẻ. Từ sau 55 tuổi, cứ sau 10 năm, nguy cơ bị đột quỵ lại tăng lên gấp đôi.
Chủng tộc: So với chủng tộc người da trắng, người Mỹ gốc Phi có nguy cơ mắc đột quỵ cao gần gấp hai lần.
Giới tính: Nam giới có nguy cơ đột quỵ cao hơn nữ giới.
Tiền sử gia đình: Người có người thân trong gia đình từng bị đột quỵ có nguy cơ đột quỵ cao hơn người bình thường.
4.2. Các yếu tố bệnh lý
Tiền sử đột quỵ: Người có tiền sử bị đột quỵ có nguy cơ cao bị đột quỵ tái lại, nhất là trong vòng vài tháng đầu. Và nguy cơ này sẽ giảm dần sau 5 năm.
Đái tháo đường.
Bệnh tim mạch.
Cao huyết áp: Cao huyết áp làm tăng sức ép lên thành động mạch, lâu dần khiến thành động mạch bị tổn thương dẫn đến xuất huyết não.
Mỡ máu: Cholesterol cao có thể tích tụ tạo thành các mảnh xơ vữa trên thành động mạch, tạo thành vật cản gây tắc nghẽn mạch máu não.
Thừa cân, béo phì.
Hút thuốc: Khói thuốc lá làm tổn thương thành mạch máu, gia tăng quá trình xơ cứng động mạch. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người hút thuốc lá có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 2 lần người không hút thuốc.
Ngoài ra, sử dụng các chất kích thích, uống quá nhiều rượu, lối sống không lành mạnh cũng là các yếu tố nguyên nhân gây đột quỵ.
5. Đột quỵ - Biến chứng nguy hiểm của bệnh gout
Gout là bệnh lý rối loạn chuyển hóa nhân purin, dẫn tới tăng acid uric trong máu làm ứ đọng các tinh thể muối urat tại khớp gây viêm khớp.
Tưởng chừng gout và đột quỵ là hai bệnh không liên quan gì tới nhau, nhưng trên thực tế người mắc gout có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 2 lần so với người bình thường.
Đột quỵ thường xuất hiện ở những người bị gout mạn tính lâu năm.
Nguyên nhân là do sự lắng đọng của các tinh thể muối urat tại các mảng xơ vữa trong lòng mạch máu; khiến cho hệ mạch bị tổn thương, viêm màng trong cơ tim, giảm khả năng lưu thông máu.
Đột quỵ được xem là biến chứng nguy hiểm và khó điều trị nhất của bệnh gout. Nếu không được phát hiện sớm, xử lý đúng cách còn có thể dẫn đến tử vong.
Tin liên quan
6. Cách sơ cứu người bị đột quỵ
Đột quỵ là một tình trạng khẩn cấp, cần gọi cấp cứu 115 ngay khi bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ.
Trước khi nhân viên y tế đến, bạn có thể sơ cứu người bệnh theo hướng dẫn sau:
Để người bệnh nằm yên, nâng đầu lên cao 30 độ.
Nới rộng quần áo, cà vạt, theo dõi nhịp thở, sắc mặt của người bệnh.
Quan sát xem bệnh nhân hôn mê hay tỉnh.
Nếu bệnh nhân tỉnh thì trấn an bệnh nhân, nhắc bệnh nhân hít sâu và thở chậm.
Nếu bệnh nhân bị nôn, phải để đầu nghiêng sang một bên, lấy các chất nôn từ mũi và miệng bệnh nhân.
Nếu bệnh nhân có cơn co giật thì cũng để bệnh nhân nằm nghiêng. Cần lấy khăn vải quấn quanh một chiếc đũa hay cán muỗng đặt giữa hai hàm răng của bệnh nhân để tránh bệnh nhân cắn vào lưỡi.
Nếu bệnh nhân hôn mê và có dấu hiệu ngừng thở thì phải tiến hành hô hấp nhân tạo.
4 “không” khi sơ cứu đột quỵ
Trong quá trình sơ cứu, bạn tuyệt đối không được tiến hành 4 việc sau:
Không được tự ý bấm huyệt, châm cứu, đánh gió hay chích máu ở 10 đầu ngón tay của người bệnh. Bởi vì những động tác này có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh và làm mất thời gian vàng điều trị.
Không cho người bệnh ăn uống và đề phòng người bệnh nôn. Người bệnh có thể hít phải chất nôn hoặc thức ăn vào đường thở sẽ rất nguy hiểm.
Không tự ý dùng thuốc hạ huyết áp, chỉ dùng thuốc này khi huyết áp > 220/120mmHg.
Không tự ý dùng thuốc aspirin hay các thuốc tan sợi huyết, chống đông máu. Vì nếu bệnh nhân bị xuất huyết não thì dùng các thuốc trên sẽ làm cho người bệnh càng thêm nguy kịch.
7. Chẩn đoán đột quỵ
Tại khoa cấp cứu, khi nghi ngờ một bệnh nhân nào đó bị đột quỵ cấp, nhân viên y tế cần nhanh chóng thực hiện các bước sau:
7.1. Xác định các dấu hiệu nghi ngờ đột qụy
Các dấu hiệu và triệu chứng của đột quỵ có thể kín đáo, được tóm tắt trong hình ảnh dưới đây:
7.2. Chụp cắt lớp vi tính sọ não
Giúp xác định xem bệnh nhân có xuất huyết não hay nhồi máu não.
Chụp cắt lớp vi tính não cần thực hiện xong trong vòng 25 phút kể từ khi bệnh nhân đến khoa cấp cứu. Và bác sĩ chuyên khoa cần chẩn đoán và trả kết quả trong vòng 45 phút.
8. Điều trị đột quỵ
Với mỗi loại đột quỵ khác nhau cần có cách điều trị khác nhau. Cụ thể:
8.1. Chảy máu não, chảy máu dưới màng nhện
Thuốc có tác dụng đông hay cầm máu, có thể là Transamin 0.25g/ 2 - 4 ống, tiêm đường tĩnh mạch.
Trong trường hợp bệnh nhân bị chảy máu dưới nhện và chảy máu não lớn, kèm theo tình trạng tràn máu não thất thì tiêm Nimotop 10mg/ 50ml đường tĩnh mạch.
Với trường hợp ổ máu tụ lớn, có kích thước hơn 60ml, và gây nên rối loạn ý thức cho người bệnh, cần tiến hành phẫu thuật để lấy ổ máu tụ ở bán cầu.
Lưu ý: Nhất định phải tìm ra nguyên nhân gây chảy máu não để điều trị triệt để.
8.2. Nhồi máu não
Cần tiêu cục máu đông bằng cách biến đổi Plasminogen thành Plasmin, phân hủy thành Fibrin và Protein đông huyết tương.
Khi áp dụng thuốc tiêu sợi huyết rTPA (Alteplase) thì cần thực hiện đúng theo chỉ định và chống chỉ định của thuốc.
Dùng thuốc chống tình trạng tập kết tiểu cầu như Clopidogrel 75mg, Ticlopidine 200mg, Aspirin 100 - 325mg,...
Thực hiện chống đông máu, có thể dùng thuốc Heparin, dự phòng bằng thuốc Warfarin, Lovenox...
Dùng biện pháp can thiệp nội mạch để lấy cục máu đông
Cho bệnh nhân dùng những thuốc nuôi dưỡng tế bào thần kinh vùng bán ảnh như Nootropyl, Duxil, Tanakan,...
Ngoài ra, khi triệu chứng của bệnh đã thuyên giảm vẫn phải dùng những thuốc điều trị sau đột quỵ. Việc này giúp tránh xảy ra tình trạng nhiễm khuẩn thứ phát như nhiễm khuẩn phổi, ống thông tĩnh mạch, hệ tiết niệu, nhiễm khuẩn hệ tiêu hóa...
>> Xem thêm Chiến lược dinh dưỡng cho người bệnh Gout
9. Phòng chống đột quỵ do gout và chăm sóc người bệnh đột quỵ
Như đã trình bày ở trên, người bệnh gout mãn tính có nguy cơ mắc đột quỵ cao gấp 2 lần sao với người bình thường. Do đó, người bệnh gout cần kiểm soát tốt tình trạng bệnh của mình để phòng tránh đột quỵ xuất hiện như:
Tránh ăn thức ăn giàu nhân purin như nội tạng, hải sản, thịt đỏ.
Nên ăn ít chất béo bão hòa, cũng như hạn chế các sản phẩm có chứa nhiều chất béo.
Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như cà chua, dưa leo, củ sắn,…
Thay thế dùng đường trắng bằng đường tự nhiên trong rau củ và ngũ cốc.
Uống nhiều nước, từ 2,5 – 3 lít nước mỗi ngày giúp hạ nồng độ acid uric trong máu.
Hạn chế sử dụng rượu, bia và các thức uống có cồn khác.
Không uống các chất kích thích như nước uống có ga, cà phê, trà.
Trong trường hợp, bệnh nhân đã thoát khỏi cơn đột quỵ. Cần chú ý chăm sóc bệnh nhân theo hướng dẫn sau:
Giảm nguy cơ tái phát đột quỵ: Đảm bảo bệnh nhân dùng thuốc đúng cách, thực hiện đúng các bài tập phục hồi và tái khám thường xuyên.
Nắm rõ các thông tin liên quan tới bệnh và thuốc: Trao đổi với bác sĩ để biết những gì xảy ra sau một cơn đột quỵ. Tìm hiểu kĩ thuốc được kê để điều chỉnh theo thể trạng của bệnh nhân.
Tìm hiểu các yếu tố liên quan để giúp bệnh nhân hồi phục.
Áp dụng vật lý trị liệu: Giúp phục hồi chức năng sau đột quỵ.
Điều trị trầm cảm cho bệnh nhân: 30 - 50% bệnh nhân bị trầm cảm trong quá trình phục hồi. Cần phối hợp với bác sĩ để khắc phục tình trạng này.
Tóm lại, chăm sóc bệnh nhân sau đột quỵ là quá trình lâu dài, cần phải kiên trì và có kiến thức cơ bản. Bạn hãy bỏ túi ngay các thông tin trên để sử dụng khi cần thiết nhé.
Nếu thấy bài viết hay và hữu ích, đừng ngại like và chia sẻ để mọi người xung quanh cùng biết. Mọi thắc mắc cần giải đáp, bạn hãy gọi tới số 0961.666.383 để chúng tôi giúp bạn.