Được mệnh danh là “King of Disease” - Vua của các bệnh, đau đớn do cơn Gout cấp gây ra là không thể tưởng tượng. Vậy Gout cấp tính là bệnh lý gì? Cách nhận biết cũng như điều trị bệnh ra sao? Quý bạn đọc hãy cùng tìm hiểu.
1. Gout cấp tính là gì?
Gout (Gút) là bệnh liên quan tới rối loạn chuyển hoá nhân purin, dẫn tới nồng độ acid uric trong huyết tương tăng cao.
Điều này làm tăng lắng đọng các tinh thể urat (muối của acid uric) hoặc tinh thể acid uric. Nếu lắng đọng ở khớp sẽ khiến khớp bị viêm và gây đau đớn; lâu dần gây viêm khớp, cứng khớp.
Bệnh Gout được chia làm hai giai đoạn chính: Gout cấp tính và Gout mạn tính. Gout cấp tính là giai đoạn bệnh nhân có nồng độ acid uric trong máu cao và có xuất hiện dấu hiệu đau khớp.
2. Nguyên nhân, các yếu tố nguy cơ gây ra Gout cấp tính
Nguyên nhân chủ yếu khiến Gout cấp tính tái phát là do chế độ ăn uống không hợp lý và sinh hoạt thiếu lành mạnh.
Bệnh sẽ dễ dàng phát triển nếu có những yếu tố thuận lợi như:
Ăn nhiều thực phẩm giàu đạm, giàu nhân purin như thịt động vật có màu đỏ, nội tạng động vật, hải sản,...
Bệnh nhân có chấn thương hoặc sau phẫu thuật.
Lao động nặng, đi giày quá chật, đi lại nhiều.
Có sang chấn về tinh thần như lo lắng, căng thẳng, xúc động,...
Sau đợt nhiễm khuẩn cấp các cơ quan bị suy giảm chức năng.
Sau khi dùng một số thuốc như steroid, lợi tiểu nhóm chlorothiazide, vitamin B12,…
Trước khi có cơn Gout cấp tính, hơn 50% bệnh nhân có dấu hiệu báo trước như nhức đầu, mệt mỏi, đau mỏi khớp, đi tiểu nhiều, sốt nhẹ, rối loạn tiêu hóa,…
Tin liên quan
3. Triệu chứng điển hình của Gout cấp tính
Cơn Gout cấp có biểu hiện rất dễ nhận ra. Các triệu chứng của bệnh thường biểu hiện như sau:
Cơn đau khớp xuất hiện vào lúc nửa đêm hoặc trời gần sáng.
Biểu hiện chủ yếu ở khớp bàn - ngón chân cái.
Đau dữ dội, mức độ ngày càng tăng; đau tới mức người bệnh không thể chịu nổi, và chỉ một va chạm nhẹ cũng cảm thấy thấu trời.
Ngón chân sưng, căng bóng, nóng đỏ, phù nề trong khi các khớp khác bình thường.
Toàn thân có biểu hiện sốt nhẹ, lo lắng, mệt mỏi, mắt nổi tia đỏ, khát nước nhiều, tiểu tiện ít và đỏ, táo bón.
Đợt viêm thường kéo dài 5 ngày, có khi kéo dài tới 2 tuần.
Sau đó, tình trạng viêm nhẹ dần, bớt đau, bớt phù bớt; da tím dần, hơi ướt; ngứa nhẹ rồi bong vẩy và khỏi hẳn và không để lại dấu vết gì ở chân.
Bệnh có thể tái phát một vài lần trong một năm, thường hay gặp vào mùa xuân hoặc mùa thu khi thời tiết lạnh.
4. Bệnh Gout cấp tính có nguy hiểm hay không?
Bản thân bệnh Gout cấp tính không gây nguy hiểm tới tính mạng. Nếu kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, bệnh sẽ ít tái phát và không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của bệnh nhân.
Tuy vậy, việc điều trị cơn Gout cấp không kịp thời và để chúng tái phát nhiều lần sẽ gây ra những phiền toái không hề nhỏ.
Khi nồng độ acid uric tăng cao và kéo dài khiến các tinh thể muối urat tích lũy nhiều tại khớp và một số mô xung quanh. Lâu ngày dễ gây ra những biến chứng như hạt tophi, biến dạng khớp, cứng khớp có nguy cơ tàn phế cao.
>> Xem thêm Hạt Tophi - Nỗi ám ảnh của bệnh nhân Gout
Mặt khác, tinh thể urat có thể tích lũy tại các mảnh xơ vữa trong lòng động mạch gây ra chứng tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, cao huyết áp,...
Đây đều là những bệnh lý ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng của người bệnh.
Do vậy, không thể chủ quan với bệnh này. Ngay khi có dấu hiệu bất thường, bệnh nhân cần tới các cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh sớm nhất có thể.
5. Chẩn đoán phát hiện bệnh
Giai đoạn cấp của bệnh Gout rất dễ nhận biết trên lâm sàng. Bởi những cơn đau mà bệnh gây ra cho người mắc khá đặc trưng giống các triệu chứng đã liệt kê ở trên.
Ngoài ra, trong cơn Gout cấp có thể có sốt vừa hoặc nhẹ làm tăng tốc độ lắng hồng cầu, dịch khớp (chỉ làm được ở khớp gối). Khi làm xét nghiệm sẽ thấy bạch cầu 5000/mm3, đa số là loại đa nhân, dưới kính hiển vi thấy nhiều tinh thể urat.
Các bác sĩ còn có thể dựa vào các xét nghiệm cận lâm sàng sau để xác định cơn cấp của bệnh Gout:
Acid uric trong máu tăng cao, và thường trên 420 μmol/l. Tuy nhiên, khoảng 40% bệnh nhân có cơn Gout cấp nhưng acid uric máu bình thường.
Định lượng acid uric niệu 24 giờ: Nếu acid uric niệu tăng rất dễ gây sỏi thận, và không được chỉ định nhóm thuốc tăng đào thải acid uric.
Xét nghiệm dịch khớp: Tìm tinh thể urat trong dịch khớp.
6. Điều trị Gout cấp
Hiện nay, chưa có thuốc để điều trị tận gốc bệnh Gout. Các phác đồ điều trị đều hướng tới mục tiêu giảm nồng độ acid uric trong máu, từ đó kéo dài thời gian tái phát bệnh.
Với cơn Gout cấp tính có hai phương pháp điều trị chính là điều trị bệnh bằng thuốc tây và sử dụng thuốc đông y.
6.1. Thuốc Tây y
Với nguyên tắc là điều trị càng sớm càng tốt, nhanh, mạnh và ngắn. Những loại thuốc được sử dụng trong cơn Gout cấp là:
Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Dùng với bệnh nhân không có các bệnh lý khác đi kèm. Trong 2 - 3 ngày đầu, sử dụng thuốc ở liều cao. Sau đó giảm liều trong khoảng 2 tuần tiếp theo.
Uống hoặc tiêm Corticosteroid: Dùng trong trường hợp người bệnh không đáp ứng hoặc chống chỉ định với NSAIDs hoặc colchicin. Có thể dùng prednisolon liều 20 – 50mg từ 1-3 ngày sau đó giảm liều trong 2 tuần.
Thuốc Colchicin: Nên dùng 0,5mg, 3 lần/ngày. Với bệnh nhân có độ lọc cầu thận GFR < 50ml/ph nên giảm nửa liều. Không dùng cho người bệnh rối loạn chức năng gan, người có GFR < 10ml/ph, người tắc mật.
Thuốc đặc trị tăng đào thải như probenecid hoặc thuốc ức chế tổng hợp acid uric như Allopurinol.
Thuốc Tây tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ như dị ứng, ảnh hưởng tới dạ dày, gan,... Nên bệnh nhân không nên sử dụng lâu dài và khi dùng thuốc phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.
6.2. Thuốc Đông y
Các bài thuốc Đông y được ứng trong điều trị bệnh Gout, bởi tính hiệu quả và an toàn của chúng.
Với các đợt cấp của bệnh Gout, bệnh nhân có thể tham khảo một vài bài thuốc sau:
Cây ngải cứu
Chuẩn bị: Một nắm lá ngải cứu và 2 thìa mật ong
Thực hiện: Ngải cứu rửa sạch, mang ngâm với nước muối pha loãng. Sau đó đem giã nhỏ và chắt lấy nước. Pha chung với mật ong, uống hai lần vào buổi trưa và buổi chiều trong ngày.
Lá tía tô
Lá tía tô có tác dụng ức chế quá trình hình thành acid uric. Đồng thời, chúng còn có tác dụng chống viêm, lợi tiểu nên đào thải acid uric trong máu ra ngoài hiệu quả. Từ đó giúp giảm cơn đau nhức cấp tính của người bệnh Gout.
Chuẩn bị: Lá tía tô rửa sạch.
Thực hiện: Đem lá tía tô đi sắc và chia nhỏ uống trong ngày. Hoặc sử dụng trực tiếp trong mỗi bữa ăn.
Lá lốt
Chuẩn bị: 5 - 10 lá lốt khô.
Thực hiện: Sắc lá lốt khô với hai chén nước. Khi nước cạn còn 1 chén thì dừng. Uống sau bữa tối, nên kiên trì thực hiện trong vòng 10 ngày.
Lá trầu không
Chuẩn bị: 100g lá trầu không tươi, 1 quả dừa xiêm.
Thực hiện: Xắt nhuyễn lá trầu không, rồi ngâm trong trái dừa diêm. Đem ủ khoảng 30 phút, sau đó chắt lấy nước uống. Nên uống trước khi đi tiểu buổi sáng giúp hoạt chất được hấp thu tối đa.
7. Lưu ý trong sinh hoạt đối với người bệnh Gout
Với bệnh Gout, giai đoạn cấp tính không gây nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng nếu không chữa trị kịp thời, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, cũng như chất lượng cuộc sống.
Vì vậy, cách tốt nhất chính là hạn chế các cơn Gout cấp tái phát bằng cách chú ý tới cách ăn uống và sinh hoạt. Cụ thể như sau:
Nếu bệnh đang tái phát giai đoạn Gout cấp nên để khớp nghỉ ngơi, hạn chế vận động.
Chăm chỉ tập thể dục, và luyện tập thể thao.
Duy trì chỉ số BMI ở mức bình thường, tránh thừa cân hay béo phì.
Hạn chế tối đa các thực phẩm chứa nhiều nhân purin như nội tạng động vật, hải sản, các loại thịt có màu đỏ.
Hạn chế chất kích thích, sử dụng rượu bia, và đồ uống có cồn.
Tăng cường ăn nhiều rau xanh có tác dụng hỗ trợ giảm viêm, sưng.
Chú trọng tới việc uống nhiều nước khoáng, đặc biệt là nước có kiềm.
Hạn chế dùng một số loại thuốc có thể làm tăng acid uric như thuốc lợi tiểu, aspirin liều thấp, corticoid kéo dài.
>> Xem thêm Chiến lược dinh dưỡng giúp kiểm soát bệnh Gout hiệu quả
Trên đây là những thông tin hữu ích nhất về triệu chứng, cách điều trị, cũng như phòng tránh của bệnh Gout cấp tính.
Nếu có các dấu hiệu trên, bạn nên thăm khám để can thiệp kịp thời. Đồng thời cần chú ý giữ sức khỏe ổn định, tránh biến chứng nguy hiểm không đáng có.
Nếu bạn thấy bài viết hay và cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho bệnh nhân Gout, hãy nhấn like và chia sẻ bài viết cho nhiều người được biết nhé.