Thuộc top đầu về trị bệnh xương khớp, từ lâu thiên niên kiện đã được ông cha ta tin dùng trong các bệnh thoái hóa xương khớp, phong thấp, nhức mỏi tay chân, gai đốt sống,... Cùng tìm hiểu rõ hơn về cây thuốc chuyên trị bệnh xương khớp này trong bài viết dưới đây nhé.
1. Mô tả cây thiên niên kiện
Trong dân gian, thiên niên kiện còn được gọi là cây thần phục, cây bao kim hay cây sơn thục. Cây có tên khoa học là Homalomena occulta L.Schott, thuộc họ Ráy (Araceae). Có đặc điểm như sau:
1.1. Đặc điểm thực vật
Thiên niên kiện thuộc nhóm cây thân thảo, sống lâu năm. Cây có thân rễ dài, thường mọc bò ngang, thân có nhiều đốt . Khi bẻ ngang thân cây sẽ thấy nhiều xơ cứng và tỏa ra hương thơm rất đặc trưng.
Lá thiên niên kiện có hình tim thuôn dài, đầu lá nhọn, cuống ngắn. Các phiên lá sáng bóng và mọc tập trung ở đầu thân rễ.
Cây có hoa vào khoảng tháng 4 - 6 hàng năm. Hoa mọc thành từng cụm, dạng những bông mo, các mo hoa thường có màu xanh lục nhạt, và không bao giờ mở rộng.
Tới tháng 8 đến tháng 10 thì cây đơm quả. Những quả thiên niên kiện có hình thuôn, mọng nước, bên trong có nhiều hạt nhỏ.
1.2. Cây thiên niên kiện mọc ở đâu?
Vì là loài cây ưa ẩm, thiên niên kiện thường mọc hoang ở những nơi nhiều nước như 2 bên bờ suối, kênh rạch, các vùng nước trũng, bìa rừng, sườn đồi, thung lũng.
Trên thế giới, cây thiên niên kiện phân bố ở những nơi có khí hậu nhiệt đới như Trung Quốc, Lào, Malaysia, Thái Lan và cả vùng châu Mỹ, châu Đại Dương.
Ở Việt nam, cây thiên niên kiện thường mọc hoang ở các vùng đồi núi.
1.3. Bộ phận dùng làm thuốc
Thân rễ của cây thiên niên kiện là bộ phận thường sử dụng để làm thuốc chữa bệnh.
1.4. Thu hái – Sơ chế
Các lương y thường thu hái phần thân rễ của cây thiên niên kiện vào mùa xuân hoặc mùa thu. Phần rễ đã già sau khi được rửa sạch, được để ráo nước rồi mang đi cắt khúc ngắn khoảng 20 cm.
Tiếp đó, chúng được đem đi sấy nhanh ở 50 độ C để khô mặt ngoài và bóc bỏ vỏ và rễ con. Cuối cùng là mang đi sấy khô hẳn ở nhiệt độ 60 độ C.
1.5. Bảo quản
Vì cây thiên niên kiện có chứa nhiều tinh dầu nên rất dễ bị mốc. Vì vậy cần cho dược liệu vào hũ đậy nắp hoặc túi zip. Và để chúng ở nơi thoáng mát, tránh mối mọt và ánh nắng trực tiếp từ mặt trời.
1.6. Thành phần hóa học của cây thiên niên kiện
Theo nghiên cứu, rễ của cây thiên niên kiện có chứa từ 0,8 - 1 % tinh dầu. Những tinh dầu này có màu vàng, mùi thơm dịu nhẹ với thành phần là các chất như este, terpineol, sabinen, limonen, I-linalol, a-terpinen, acetaldehyde, aldehyde propionic,…
Ngoài có tác dụng trị bệnh trong y học, các tinh dầu chiết xuất từ cây thiên niên kiện còn được dùng làm hương liệu, nguyên liệu trong điều chế nước hoa.
2. Thiên niên kiện có tác dụng gì?
Thiên niên kiện đã được sử dụng làm thuốc từ nhiều thế kỷ trước. Công dụng của vị thuốc này đã được ghi chép trong rất nhiều sách y văn. Cụ thể:
2.1. Tính vị quy kinh
Thân rễ của cây thiên niên kiện có vị cay, đắng, tính ấm. Quy vào hai kinh can và thận.
2.2. Tác dụng dược lý
Trong cả y học cổ truyền lẫn y học hiện đại, thân rễ của cây thiên niên kiện đều được dùng nhiều trong các đơn thuốc trị bệnh xương và khớp.
Công dụng của thiên niên kiện theo đông y
Tác dụng: Tiêu sưng, chỉ thống, mạnh gân cốt và trừ phong thấp,.
Chủ trị: Trị các chứng phong thấp có các biểu hiện như đau lưng, mỏi gối, tê cứng chân, lạnh khớp,…
Tác dụng của thiên niên kiện theo y học hiện đại
Chiết xuất từ thân rễ của cây thiên niên kiện có tác dụng:
Kích thích, giúp cơ quan tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
Kháng histamin và ngăn ngừa dị ứng.
Chống viêm, giảm đau nhức trong các bệnh về xương khớp.
Chống đông máu, tăng lưu thông khí huyết.
Ức chế virus Herpes simplex type 1 và một số loại vi khuẩn gây bệnh khác.
2.3. Cách dùng và liều lượng
Dược liệu thiên niên kiện được sử dụng bằng cách sắc thuốc, ngâm rượu hoặc giã nát để dùng ngoài.
Nếu để uống, liều lượng khuyên dùng là từ 6 – 12g/ ngày.
3. Các bài thuốc chữa bệnh từ cây thiên niên kiện
Ngoài tác dụng trị phong tê thấp, đau nhức xương khớp, vị thuốc thiên niên kiện còn giúp chị em chữa đau bụng kinh, làm đẹp, và dùng trong bài thuốc chữa dị ứng, mẩn ngứa,...
3.1. Bài thuốc chữa bệnh thấp khớp, đau nhức xương khớp
Bài thuốc sử dụng cây thiện niên kiện để điều trị bệnh thấp khớp, đau nhức xương khớp như sau:
Bài thuốc 1
Dược liệu: Thiên niên kiện 10g, hy thiêm 20g, mộc qua 15g, ngưu tất 5g.
Cách thực hiện: Đem dược liệu đi rửa sạch, sắc thuốc uống mỗi ngày.
Bài thuốc 2
Dược liệu: Thiên niên kiện, đan sâm, dây chiều, thổ phục linh, kê huyết đằng, thục địa, xích thược, độc hoạt, khương hoạt, tang ký sinh mỗi loại 12g, đỗ trọng và đảng sâm mỗi loại 20g, hoài sơn 16g, ngưu tất 10g, nhục quế 8g.
Cách thực hiện: Mỗi dược liệu trên mang đi rửa sạch, sau đó sắc lấy nước uống đều đặn mỗi ngày.
Bài thuốc 3
Dược liệu: Thiên niên kiện, kê huyết đằng, hà thủ ô trắng và ngũ gia bì mỗi loại 50g.
Cách thực hiện: Các dược liệu trên đem rửa sạch, để ráo. Sau đó ngâm rượu cùng với rắn cạp nong, rắn hổ mang, rắn ráo trong vòng 3 tháng. Mỗi ngày uống một chén nhỏ khi ăn cơm.
Bài thuốc 4
Dược liệu: Thiên niên kiện 12g, rễ cỏ xước 40g, hy thiêm 28g, thổ phục linh 18g, cỏ mực 16g, ngải cứu 12 và thương nhĩ tử mỗi loại 12g.
Cách thực hiện: Sau khi rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn, đem các dược liệu trên đi sao vàng. Sau đó, mang đi sắc lấy nước để uống mỗi ngày.
Bài thuốc 5
Dược liệu: Thân rễ thiên niên kiện tươi.
Cách thực hiện: Rửa sạch nguyên liệu, sau đó giã nát rồi ngâm với rượu để xoa bóp vào chỗ bị đau.
3.2. Bài thuốc chữa thoái hóa cột sống
Cách ngâm rượu thiên niên kiện chữa thoái hoá cột sống như sau:
Dược liệu: Rễ cây thiên niên kiện 10g.
Cách thực hiện: Sau khi rửa sạch rễ dược liệu, đem sắc nước uống tương tự như uống trà hoặc ngâm rượu uống.
Kiên trì sử dụng bài thuốc trong vòng hai tuần sẽ thấy tình trạng của bệnh thoái hóa cột sống giảm dần. Nếu có điều kiện, người bệnh nên kết hợp bài thuốc giữa thiên niên kiện với thổ phục linh, cà gai leo, lá lốt hay cỏ xước,… để gia tăng hiệu quả chữa bệnh.
3.3. Bài thuốc giảm đau lưng, mỏi gối
Dược liệu: Thiên niên kiện, dây chiều, xích thược, độc hoạt, tang ký sinh, đan sâm, thổ phục linh, kê huyết đằng, đỗ trọng, khương hoạt và thục địa mỗi loại 12g, đảng sâm 20g, hoài sơn 16g, ngưu tất 10g, nhục quế 8g.
Cách thực hiện: Rửa sạch các loại dược liệu trên, sau đó đem sắc uống. Kiên trì đều đặn mỗi ngày 1 thang sẽ thấy các cơn đau lưng, nhức mỏi gối giảm dần.
3.4. Bài thuốc trị đau mỏi vai gáy, tê bì chân tay
Dược liệu: Thiên niên kiện, thương nhĩ tử (sao vàng) và ngải cứu mỗi thứ 12g, rễ cỏ xước 40g, hy thiêm 28g, thổ phục linh 18g, cỏ mực 16g.
Cách thực hiện: Sau khi rửa sạch, đem các vị dược liệu trên đi sắc lấy nước. Mỗi ngày dùng 1 thang, uống thành 2 - 3 lần.
3.5. Bài thuốc trị phong thấp
Dược liệu: Thiên niên kiện 10g, hy thiêm 20g, mộc qua 15g và 5g ngưu tất.
Cách thực hiện: Đem tất cả dược liệu đi rửa sạch để loại bỏ hết bụi bẩn và sắc uống mỗi ngày 1 thang. Kiếm trì thực hiện thì triệu chứng phong thấp sẽ thuyên giảm.
3.6. Bài thuốc chữa đau bụng kinh
Dược liệu: Thiên niên kiện, gỗ vang, rễ bưởi bung, rễ sim rừng, rễ bướm bạc mỗi loại dùng 15g.
Thực hiện: Đem tất cả các dược liệu trên rửa sạch, sắc với 500ml nước lọc. Dùng bài thuốc trong những ngày của chu kỳ hành kinh.
3.7. Bài thuốc chữa dị ứng, mẩn ngứa
Dược liệu: Thiên niên kiện, gừng và sả mỗi thứ vừa đủ 10g.
Cách thực hiện: Rửa sạch dược liệu, và sắc lấy nước uống hết trong ngày.
3.8. Bài thuốc chữa mụn ngọt
Bài thuốc này dùng lá thiên niên kiện giã nhuyễn với muối hột. Sau đó đem hỗn hợp này đắp lên vết mụn nhọt. Thực hiện đều đặn mỗi ngày 2 lần cho đến khi mụn xẹp hẳn thì ngưng.
4. Một số lưu ý khi sử dụng cây thiên niên kiện để có hiệu quả tốt nhất
Dù có nhiều công dụng tốt trong trị bệnh, nhưng để sử dụng hiệu quả vị dược liệu này, người bệnh cần lưu ý tới các vấn đề sau:
Người âm hư nội nhiệt, nhức đầu, táo bón không nên dùng.
Phụ nữ có thai nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn trước khi sử dụng.
Khi dùng rượu ngâm từ thân rễ thiên niên kiện thì không nên uống quá 2 chén nhỏ một ngày. Nếu uống quá nhiều có thể gây ra ngộ độc, nôn mửa, chóng mặt, đau đầu.
Sử dụng tối đa 12g thiên niên kiện cho mỗi thang thuốc.
5. Mua thiên niên kiện ở đâu, giá bao nhiêu?
Nếu có nhu cầu, bạn có thể mua cây thuốc hoặc dược liệu thiên niên kiện tại các cửa hiệu đông y hay các nhà vườn chuyên cung cấp giống cây đã được cấp phép theo quy định của pháp luật.
Giá bán thiên niên kiện dao động từ 110.000 đến 120.000đ/kg.
6. Kỹ thuật trồng cây thiên niên kiện
Thiên niên kiện được trồng tại những vùng đất ẩm, có bóng râm như dưới tán rừng tự nhiên dọc ven hai bên khe, suối. Có thể trồng cây quanh năm, nhưng tốt nhất là tử tháng 2 đến tháng 3 và tháng 8 đến tháng 9 hàng năm.
Sử dụng những cây giống được ươm sẵn đã mọc đầy đủ rễ và lá; hoặc dùng hom giống được cắt từ củ thiên niên kiện mới khai thác.
Bạn đào những hố nhỏ sâu khoảng 5 - 10 cm. Sau đó, đặt hom giống hoặc cây giống vào hố và lấp đất, nén nhẹ lại và tưới nước vào gốc, phủ cỏ hoặc rơm rạ xung quanh gốc để giữ ẩm cho cây.
Khi trồng cần chú ý để chồi non nhô lên trên mặt đất. Sau khi trồng 1 tháng, người trồng nên tiến hành kiểm tra và trồng dặm lại những cây bị chết.
Khi có mưa kéo dài ngày, nên chú ý khơi rãnh để thoát nước, tránh củ ngập úng lâu sẽ bị thối.
Như vậy, bài viết đã giới thiệu tới Quý bạn đọc những thông tin hữu ích nhất về cây thiên niên kiện, cũng như công dụng và cách dùng vị thuốc này trong điều trị các bệnh.
Nếu bạn đang đối mặt với các bệnh lý về xương khớp hoặc đang thắc mắc về phương pháp điều trị nó, hãy liên hệ ngay theo hotline để được tư vấn.
Đừng quên like và chia sẻ rộng rãi để mọi người đều biết tới công dụng tuyệt vời của thứ cây họ Ráy này nhé.