Có tác dụng không kém gì nhân sâm nhưng giá cả lại rẻ hơn nhiều lần, cây đinh lăng được ví như “nhân sâm của người nghèo”. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về tác dụng, cách dùng cũng như lưu ý để sử dụng đinh lăng hiệu quả và an toàn nhất nhé!
1. Mô tả cây đinh lăng
Đinh lăng là loài cây thuộc họ Ngũ gia bì (Araliaceae), có tên khoa học là Polyscias fruticosa L. Harras. Trong dân gian, đinh lăng còn được gọi là cây gỏi cá hay nam dương lâm. Chúng có đặc điểm như sau:
1.1. Đặc điểm sinh thái
- Cây đinh lăng thuộc loại cây nhỏ, thân nhẵn, không có gai, thường cao từ 0.8 đến 1.5m.
- Lá kép, mọc so le; lá có 3 lần xẻ lông chim, mép lá hình răng cưa. Cuống lá khá nhỏ, thường có màu nâu nhạt, dài từ 3 - 10mm. Mùi thơm của lá đinh lăng rất đặc trưng.
- Phần hoa của cây có hình chùy, ngắn 7 - 18mm, gồm nhiều tán, mang nhiều hoa nhỏ. Hoa thường có màu trắng nhạt, và mọc tụ lại ở đầu cành.
- Phần quả nhỏ, dẹt, có kích thước từ 3 - 4mm. Thông thường, cây sẽ nở hoa từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm.
1.2. Phân bố
Trên thế giới, cây được trồng nhiều ở miền nam Trung quốc, các đảo Thái Bình Dương, Madagascar, Lào. Ở Việt Nam, cây được trồng phổ biến khắp cả nước.
1.3. Bộ phận dùng làm thuốc
Toàn cây đinh lăng đều có thể dùng để làm thuốc. Các bộ phận hay được thu hái để sử dụng bao gồm: rễ, thân, lá, cành, hoa.
1.4. Thu hái – Sơ chế
Với mỗi bộ phận của cây đinh lăng sẽ có thời gian và cách thu hái, sơ chế khác nhau. Cụ thể:
Rễ đinh lăng
Rễ những cây đinh lăng đã trồng từ 3 năm trở lên sẽ được thu hoạch vào mùa thu – đông, lúc này rễ cây mềm và có dược tính chữa bệnh cao.
Với những rễ nhỏ, thầy thuốc sẽ lấy cả củ; còn với những rễ to sẽ chỉ thu hoạch vỏ rễ. Sau đó, dược liệu được đem đi rửa sạch, thái nhỏ rồi phơi khô.
Hoa đinh lăng
Hoa được thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm, khi hoa còn nụ. Sau đó, mang hoa đi rửa sạch, phơi hoặc sấy khô và dùng dần.
Lá đinh lăng
Lá của cây đinh lăng có thể thu hoạch quanh năm. Tuy vậy, để lá có công dụng tốt nhất thì chỉ nên dùng lá của cây đinh lăng từ 3 năm tuổi trở lên.
Có thể dùng cả dạng lá tươi, hoặc rửa sạch, phơi khô và đem lưu trữ để dùng dần.
1.5. Bảo quản
Dược liệu đinh lăng sau khi được phơi khô sẽ được bảo quản ở nơi khô ráo, tránh ẩm mốc, mối mọt, côn trùng, và tránh ánh nắng gắt.
1.6. Thành phần hóa học của cây đinh lăng
Theo những nghiên cứu khoa học, cây đinh lăng có chứa tới 8 loại saponin oleanane. Rễ của cây cũng có chứa nhiều saponin tương tự như nhân sâm.
Ngoài ra, trong đinh lăng còn có tới 20 loại acid amin và nhiều vitamin cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt, là các loại acid amin thiết yếu như cystein, methionin, lysin,...
2. Các loại cây đinh lăng
Cây đinh lăng có mấy loại? Đinh lăng có tới 8 loại khác nhau, phân biệt dễ dàng qua hình thái và kích thước của lá. Cụ thể:
Đinh lăng lá nhỏ - sâm Nam Dương: Đây là loại đinh lăng được trồng phổ biến nhất trên cả nước.
Đinh lăng lá to.
Đinh lăng lá tròn.
Đinh lăng lá đĩa.
Đinh lăng lá răng.
Đinh lăng lá bạc.
Đinh lăng lá vằn.
Đinh lăng lá nhuyễn.
3. Tác dụng của cây đinh lăng
Được ví như “nhân sâm của người nghèo”, đinh lăng có rất nhiều tác dụng quý trong cả y học cổ truyền và y học hiện đại.
3.1. Theo Y học cổ truyền
Tác dụng của cây đinh lăng theo Y học cổ truyền như sau:
Tính vị, quy kinh
Theo Đông y, vị thuốc đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát.
Tác dụng và chủ trị
Mỗi bộ phận của cây đinh lăng lại có công dụng khác nhau.
Rễ đinh lăng
Giúp lưu thông khí huyết, và bồi bổ khí huyết.
Được sử dụng làm thuốc bổ tăng lực, chữa cơ thể suy nhược, mệt mỏi, tiêu hoá kém; phụ nữ sau sinh ít sữa.
Có nơi còn dùng rễ đinh lăng chữa ho, ho ra máu, đau tử cung, kiết lỵ và làm thuốc lợi tiểu, chống độc.
Lá đinh lăng
- Chữa bệnh xương khớp như đau khớp.
Tác dụng nổi bật là chống dị ứng, giải độc.
Dùng cho những trường hợp mề đay, dị ứng thức ăn, ho, sởi, kiết lỵ, tắc tia sữa…
Ở Ấn Độ, lá đinh lăng còn dùng để điều trị sốt.
Thân và cành đinh lăng
Được dùng cho những trường hợp đau lưng mỏi gối, phong thấp.
3.2. Theo Y học hiện đại
Theo y học hiện đại, cây Đinh lăng có tác dụng:
Co mạch máu.
Giảm trương lực của cơ tim, giúp tim giảm co bóp.
Hạ huyết áp.
Tăng co bóp tử cung nhẹ.
Tác dụng lợi tiểu.
Tăng cường hoạt động của hệ thần kinh giúp chúng tiếp nhận tín hiệu tốt hơn.
Tăng khả năng chịu đựng, sức dẻo dai của của cơ thể.
Kích thích miễn dịch, tăng sức đề kháng với bệnh tật.
Ức chế sự phát triển của vi khuẩn sinh mủ và vi khuẩn đường ruột.
3.3. Cách dùng và liều lượng
Mỗi ngày, một người có thể dùng từ 1 - 6g rễ; từ 30 - 50g thân; và từ 50 - 100g lá của cây đinh lăng.
Người bệnh có thể sắc uống, ngâm rượu hoặc chế biến thành món ăn đều mang tác dụng trị bệnh như nhau.
3.4. Độc tính của đinh lăng
Theo nghiên cứu, đinh lăng có ít độc tính hơn nhân sâm. Khi tiêm phúc mạc chuột với liều 32.9g/kg, cho kết quả là tim, não, thận và gan của chuột bị tổn thương nặng và tử vong.
Trong trường hợp nhiễm độc mãn, đinh lăng có thể gây biến loạn dinh dưỡng tim, thận, gan, và gây sung huyết ở phổi, dạ dảy dày, ruột,…
4. Các bài thuốc chữa bệnh từ cây đinh lăng
Không chỉ là một món ăn thân thuộc với nhiều thế hệ người Việt, đinh lăng còn là loại thảo dược được dùng trong nhiều bài thuốc Đông y.
4.1. Bài thuốc lưu thông khí huyết
Dược liệu: Rễ đinh lăng, tam thất 20g, hoàng tinh 100g, hà thủ ô, thục địa.
Cách thực hiện: Dược liệu đem đi tán nhuyễn. Khi sử dụng pha 100g hỗn hợp với nước và dùng trong ngày.
4.2. Bài thuốc trị đau lưng
Bài thuốc cây định lăng trị đau lưng từ cây đinh lăng như sau:
Dược liệu: Rễ đinh lăng thái mỏng 0,5g.
Cách thực hiện: Đem dược liệu rửa sạch, sắc cùng 100ml nước đun trong vòng 15 phút. Dùng kiên trì đều đặn trong vòng 1 – 2 tháng.
4.3. Bài thuốc từ định lăng trị đau mỏi gối
Cây định lăng chữa bệnh xương khớp như trị đau mỏi gối như sau:
Dược liệu: Cành và thân đinh lăng 20 – 30g.
Cách thực hiện: Rửa sạch dược liệu và sắc lấy nước uống. Chia nước sắc thành 3 phần và dùng hết trong ngày. Trong trường hợp đau xương khớp nhiều, có thể gia giảm thêm 1 ít cúc tần, cam thảo và rễ cây xấu hổ.
>> Có thể bạn quan tâm: Cây thiên niên kiện - Thảo dược quý chữa bệnh xương khớp
4.4. Bài thuốc chữa đau tử cung
Lá và cành đinh lăng đem rửa sạch, sao vàng, sau đó sắc lấy nước uống hàng ngày.
4.5. Bài thuốc chữa mẩn ngứa do dị ứng
Dược liệu: Lá đinh lăng khô 80g.
Cách thực hiện: Đem lá đinh lăng đi rửa sạch, sau đó sắc với 500ml nước đến khi còn 250ml. Chia nước sắc thành 2 phần và dùng hết trong ngày. Sử dụng bài thuốc đều đặn trong vòng 10 ngày.
4.6. Bài thuốc chữa vết thương, cầm máu.
Dược liệu: Lá đinh lăng tươi 40g.
Cách thực hiện: Đem lá đinh lăng rửa sạch, giã nát và đắp vào vùng vết thương, thay 1 – 2 lần/ ngày.
4.7. Phòng co giật ở trẻ em
Dược liệu: Lá đinh lăng.
Cách thực hiện: Đem lá đi phơi khô, rồi lót vào gối hoặc trải xuống giường cho trẻ nằm.
4.8. Bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm gan
Dược liệu: Rễ đinh lăng, xa tiền tử, chi tử, biển đậu, rễ cỏ tranh, ngũ gia bì, hoài sơn mỗi thứ 12g, ý dĩ 16g, nhân trần 20g, ngưu tất và uất kim mỗi thứ 8g.
Cách thực hiện: Dược liệu đem rửa sạch và sắc lấy nước uống, ngày dùng 1 thang. Trong thời gian điều trị bệnh, bạn nên tránh dùng rượu bia và thuốc lá; hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều đạm, dầu mỡ, gia vị.
4.9. Bài thuốc chữa liệt dương
Dược liệu: Rễ đinh lăng, ý dĩ, hà thủ ô, cám nếp, long nhãn, hoài sơn, kỷ tử, và hoàng tinh mỗi thứ 12g, sa nhân 6g, cao ban lông và trâu cổ mỗi thứ 8g.
Cách thực hiện: Rửa sạch các dược liệu trên và đem sắc uống. Mỗi ngày dùng dùng 1 thang. Kết hợp với chế độ ăn uống và sinh hoạt điều độ để bài thuốc phát huy tác dụng tốt nhất.
4.10. Bài thuốc chữa cơ thể suy nhược
Dược liệu: Rễ đinh lăng 0.5g.
Cách thực hiện: Rửa sạch rễ, sau đó sắc với 100ml nước và đun sôi khoảng 15 phút. Chia nước sắc thành 2 – 3 lần uống. Ngày dùng 1 thang cho đến khi cơ thể hết mệt mỏi và suy nhược.
4.11. Chữa ho suyễn lâu năm
Dược liệu: Rễ đinh lăng, nghệ vàng, đậu săng, tang bạch bì, húng chanh mỗi thứ 8g, gừng khô 4g, xương bồ 6g.
Cách thực hiện: Rửa sạch các dược liệu, sau đó sắc lấy nước uống. Chia nước thuốc thành 2 lần uống, dùng khi thuốc còn nóng.
4.12. Bồi bổ, thanh lọc cơ thể
Dược liệu: Lá đinh lăng tươi 150 - 200g.
Cách thực hiện: Rửa sạch lá đinh lăng, đem sắc với nước và uống hàng ngày thay nước.
4.13. Bài thuốc lợi sữa
Dược liệu: Lá đinh lăng tươi 50 – 100g, bong bóng lợn 1 cái.
Cách thực hiện: Rửa sạch dược liệu, băm nhỏ, sau đó đem trộn với gạo nếp và nấu cháo ăn.
4.14. Bài thuốc chữa tắc tia sữa
Dược liệu: Rễ đinh lăng 40g.
Cách thực hiện: Rửa sạch rễ, sắc lên uống. Mỗi ngày uống từ 2 - 3 lần cho đến khi tình trạng được cải thiện.
4.15. Điều hòa giấc ngủ
Dược liệu: Lá đinh lăng 24g (có thể sử dụng lá khô hoặc tươi đều được), lá vông và tang diệp mỗi loại 20g, liên nhục 16g, tâm sen 12g.
Cách thực hiện: Rửa sạch các dược liệu trên, đem sắc uống. Dùng 2 lần/ngày, trong thời gian 10 – 15 ngày.
5. Tác hại của cây đinh lăng
Là một dược liệu có tính an toàn cao, đinh lăng ít gây tác dụng phụ. Tuy vậy, khi sử dụng, người dùng vẫn phải chú ý tới tác hại sau của đinh lăng:
Khi dùng đinh lăng với liều cao sẽ bị mệt mỏi, tiêu chảy, nôn mửa do các saponin có trong dược liệu có tác dụng phá huyết.
Ngoài ra, alcaloid có trong đinh lăng cũng gây hoa mắt, chóng mặt.
6. Giá bán và cách trồng cây đinh lăng
Hiện nay, đinh lăng trên thị trường có nhiều mức giá khác nhau phụ thuộc vào bộ phận dùng và năm tuổi của cây. Dưới đây là một vài giá bán để bạn đọc tham khảo:
Củ 3kg: 600.000đ/kg.
Củ 4kg: 650.000đ/kg.
Củ 5kg: 720.000đ/kg.
Rễ nhánh phơi khô: 400.000đ/kg.
Là cây có giá trị sử dụng cao, phương pháp trồng đinh lăng trồng rất đơn giản. Bạn cần trồng đinh lăng ở có ánh sáng đầy đủ hoặc chiếu sáng một phần.
Lấy hom giống đã nhân giống rồi cắm vào đất, nêm chặt đất và tưới nước đủ ẩm. Cần tưới thường xuyên cho tới khi cây ra rễ mới. Khi đinh lăng đã đủ lớn thì tưới mỗi ngày trong những ngày nắng, ngày mưa thì tưới cách ngày.
Những cây đinh lăng từ 3 năm tuổi có thể thu hoạch được. Bạn nên thu hoạch trong các tháng 10 - 12 hàng năm. Bởi lúc này cây có lượng dược chất ở mức tốt nhất.
7. Một số lưu ý khi sử dụng cây đinh lăng để có hiệu quả tốt nhất
Nếu có ý định dùng đinh lăng để trị bệnh, bạn cần chú ý các điểm sau:
Nên sử dụng cây đinh lăng từ 3 năm tuổi trở lên, tốt nhất là từ 3 - 5 năm tuổi. Vì nếu trồng ít hơn 3 năm, cây đinh lăng sẽ chưa đủ dược tính; còn với cây quá già, rễ cây đã bị lão hóa, các chất dinh dưỡng sẽ bị mất hết.
Phụ nữ có thai hoặc người đang mắc các bệnh mãn tính cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng dược liệu này.
Sử dụng rễ đinh lăng liều cao có thể dẫn tới say thuốc, mệt mỏi, nôn mửa tiêu chảy,…
Có thể kết hợp với các món ăn từ cây đinh lăng để giảm mệt mỏi và bồi bổ sức khỏe.
Đinh lăng quả là vị thuốc quý, chúng dùng được cho cả người trẻ, cho tới người già. Bạn đọc hãy lưu nhanh những thông tin trên để làm giàu thêm gia tài kiến thức của mình nhé. Nếu bạn còn thắc mắc về tình trạng bệnh của mình, hãy liên hệ với chúng tôi theo hotline dưới đây để được chuyên gia tư vấn trực tiếp.
Nếu thấy bài viết hay và hữu ích với mình, bạn đừng quên like và chia sẻ để cổ vũ thêm cho đội ngũ y bác sĩ chúng tôi. Chúc Quý bạn đọc và gia đình nhiều sức khỏe!