Thoái hóa đốt sống cổ là tình trạng bệnh lý mạn tính thường ở nhiều lứa tuổi. Phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời là cách tốt nhất để ngăn chặn các biến chứng. Theo dõi ngày bài viết dưới đây để biết thêm thông tin chi tiết.
1. Thoái hóa đốt sống cổ là gì?
Bệnh thoái hóa đốt sống cổ (Cervical Spondylosis) là bệnh lý mạn tính khá phổ biến của tình trạng thoái hóa cột sống và chỉ sau thoái hóa đốt sống lưng. Bệnh tiến triển chậm, thường gặp ở người lớn tuổi và/hoặc liên quan đến tư thế vận động. Hơn 85% người trên 60 tuổi bị thoái hóa đốt sống cổ.
Tổn thương cơ bản của bệnh là tình trạng thoái hóa sụn khớp và/hoặc đĩa đệm ở cột sống cổ. Thường gặp nhất là thoái hóa đốt sống cổ C4-C5-C6.
Tình trạng này có thể dẫn đến các triệu chứng viêm khớp đặc trưng cho cổ (mất cử động khớp, đau khi cử động và các khớp không vận động) hoặc các biến chứng thần kinh của thoái hóa khớp, bao gồm áp lực lên tủy sống và/hoặc rễ thần kinh cổ.
2. Nguyên nhân gây thoái hóa đốt sống cổ
Thoái hóa cột sống cổ xảy ra chủ yếu do quá trình lão hóa của tổ chức sụn, tế bào và quanh khớp (cơ cạnh cột sống, dây chằng, thần kinh,...) và tình trạng chịu áp lực quá tải kéo dài của sụn khớp, ví dụ như:
- Đĩa đệm mất nước: Đĩa đệm hoạt động giống như đệm giữa các đốt sống của cột sống. Đến khoảng 40 tuổi, hầu hết các đĩa đệm cột sống của mọi người bắt đầu khô và co lại, điều này khiến các xương cọ xát với nhau nhiều hơn.
- Tuổi tác: Thoái hóa cột sống cổ là một phần “bình thường” của quá trình lão hóa.
- Nghề nghiệp: Những công việc liên quan đến cử động cổ lặp đi lặp lại hoặc làm công việc cần sử dụng nhiều phần đầu sẽ khiến cổ của bạn thêm căng thẳng.
- Các vết thương ở cổ: Các chấn thương ở cổ trước đây do tai nạn, ngã,... sẽ làm tăng nguy cơ thoái hóa đốt sống cổ.
- Yếu tố di truyền: Một số cá nhân trong các gia đình dễ mắc bệnh hơn so với những người mà tiền sử chưa có ai mắc thoái hóa cột sống cổ.
- Hút thuốc: Hút thuốc khiến cơ thể không hấp thu được các chất dinh dưỡng đi nuôi cơ xương khớp dẫn đến tình trạng cột sống bị hao mòn.
- Trầm cảm hoặc hay lo lắng cũng là một trong những nguyên nhân gây thoái hóa cột sống.
- Chế độ ăn uống không đảm bảo các dưỡng chất cần thiết cho cột sống.
>> Có thể bạn cũng xuất hiện các triệu chứng của bệnh thoái hóa đốt sống lưng. Bạn có thể tham khảo: Tổng quan kiến thức về thoái hóa đốt sống thắt lưng
3. Triệu chứng thoái hóa đốt sống cổ
Đối với hầu hết người bệnh, thoái hóa đốt sống cổ hiếm khi gây ra triệu chứng. Khi các triệu chứng xảy ra, tại các đốt sống cổ người bệnh cảm thấy đau nhức và cứng cổ.
Các cơn đau này có thể từ nhẹ đến nặng. Tình trạng này đôi khi trở nên tồi tệ hơn khi thực hiện động tác nhìn lên hoặc nhìn xuống trong thời gian dài hoặc các hoạt động giữ cổ ở cùng một vị trí trong thời gian dài như lái xe, đọc sách. Cơn đau có thể cải thiện khi nghỉ ngơi hoặc nằm xuống.
Các dấu hiệu thoái hóa đốt sống cổ có thể bao gồm:
- Đau có kèm theo co cứng vùng cơ cạnh cột sống cổ cấp hoặc mạn tính (hội chứng cột sống cổ)
- Đau lan từ cổ xuống tay cùng bên, đau nhức nhối có kèm theo cảm giác kiến bò, tê rần dọc cánh tay và lan đến các ngón tay. Người bệnh cũng có thể xuất hiện hiện tượng chóng mặt, yếu cơ hoặc teo cơ tại vai, cánh tay bên bị tổn thương (còn gọi là hội chứng rễ thần kinh).
- Nhức đầu vùng chẩm, thái dương, trán và hai hố mắt vào buổi sáng; có khi kèm theo chóng mặt, ù tai, hoa mắt, mờ mắt, khó nuốt; đau tai, lan ra sau tai. Đây là triệu chứng thường gặp của hội chứng động mạch đốt sống.
- Dáng đi không vững, đi lại khó khăn; yếu hoặc liệt chi, teo cơ, dị cảm và tăng phản xạ gân xương khi tủy sống bị chèn ép.
- Dễ cáu gắt, thay đổi tính tình, rối loạn giấc ngủ, giảm khả năng làm việc.
- Có tiếng mài hoặc lục cục hoặc cảm giác nghiến răng khi người bệnh quay cổ.
- Dấu hiệu Lhermitte: Được biết tới là triệu chứng đa xơ cứng, có cảm giác khó chịu đột ngột như luồng điện đi từ cổ xuống xương sống, thậm chí cả tay, chân, ngón tay và ngón chân.
- Biến dạng cột sống: Hoàn toàn không cúi ngửa xoay chuyển được đầu và cổ. Ấn vào các mỏm ngang thấy rất đau. Cong vẹo cổ, sái cổ, biến dạng, mất đường cong sinh lý cổ.
4. Biến chứng thoái hóa đốt sống cổ
Dưới đây là một số biến chứng có thể xảy ra khi thoái hóa đốt sống cổ không được phát hiện và điều trị kịp thời như:
- Chèn ép thần kinh gây hội chứng vai - cánh tay một bên hoặc hai bên.
- Chèn ép các động mạch đốt sống gây đau đầu, chóng mặt.
- Chèn ép tủy gây yếu cơ, đau tứ chi hoặc liệt không vận động được.
- Mất ngủ: Các cơn đau xuất hiện với nhiều ngay cả khi nghỉ ngơi khiến người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, khí chịu, mất ngủ; thậm chí tăng huyết áp và tăng nguy cơ đột quỵ.
- Thoát vị đĩa đệm: Đây là biến chứng nguy hiểm của thoái hóa đốt sống cổ. Khi hệ thống các dây thần kinh bị chèn ép sẽ dẫn đến hiện trạng tê liệt ở 1 hoặc cả 2 bên cánh tay. Dần dần, những phần bị thoái hóa có thể tiến triển thành thoát vị đĩa đệm.
- Gây hội chứng tăng - giảm huyết áp: Huyết áp của người bệnh thay đổi liên tục, giảm xuống hoặc tăng cao, thường là tăng huyết áp.
- Rối loạn tiền đình: Người bệnh thoái hóa cột sống cổ thường bị hạn chế lượng máu và oxy lưu thông tới não dẫn tới tình trạng rối loạn tiền đình hoặc thiếu máu não.
- Gai cột sống cổ: Tình trạng bệnh làm bề mặt sụn cột sống mỏng dần, xương dưới sụn bị biến đổi hình dạng, dễ hình thành và phát triển các gai xương. Khi bệnh nhân cử động, các gai xương cọ xát vào cơ, gân, dây chằng hoặc chèn ép dây thần kinh gây đau nhức.
- Bại liệt nửa người: Bại liệt là hậu quả nghiêm trọng của thoái hóa đốt sống cổ. Khi hệ thống dây thần kinh bị chèn ép quá lâu khiến khí huyết lưu thông kém và các dây thần kinh mất dần các chức năng vận động, dần dần dẫn đến bại liệt.
5. Khám và Chẩn đoán thoái hóa đốt sống cổ
Để đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất, người bệnh nên đến các cơ sở ý tế để thăm khám và chẩn đoán bệnh chính xác.
5.1. Tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa đốt sống cổ
Chẩn đoán thoái hóa đốt sống cổ dựa trên những tiêu chuẩn sau:
- Các triệu chứng đặc trưng như cứng tay, yếu tay.
- Các dấu hiệu đặc trưng: tăng phản xạ, teo cơ tay.
- X-quang cột sống cổ bình thường hoặc có các triệu chứng của thoái hóa.
- Chụp cộng hưởng từ MRI và CT cho thấy hẹp ống sống, chèn ép dây do phát triển quá mức các tế bào xương, thoát vị đĩa đệm và phì đại dây chằng).
5.2. Các phương pháp chẩn đoán
Khi chẩn đoán bệnh, bác sĩ chuyên môn thực hiện các biện pháp sau:
5.2.1. Kiểm tra thể chất
Sau khi thăm hỏi về tiểu sử bệnh và sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra, nhận xét các vấn đề thay đổi trong:
- Sức mạnh ở cánh tay, bàn tay và ngón tay của người bệnh.
- Cảm giác chạm.
- Phản xạ.
- Tính linh hoạt của cổ và cánh tay.
5.2.2. Các xét nghiệm thường quy
Bác sĩ cũng có thể chỉ định các xét nghiệm chẩn đoán để giúp xác định bệnh chính xác nhất. Các xét nghiệm này có thể bao gồm:
- Chụp X-quang cột sống cổ với tư thế sau: thẳng, nghiêng, chếch ¾ trái và phải. Trên phim X-quang có thể phát hiện các bất thường như mất đường cong sinh lý, gai xương ở thân đốt sống, giảm chiều cao đốt sống, đĩa đệm, hẹp lỗ liên hợp,...
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống cổ là phương pháp có giá trị nhất nhằm xác định chính xác rễ thần kinh bị chèn ép, vị trí khối thoát vị, mức độ thoát vị đĩa đệm, mức độ hẹp ống sống và các nguyên nhân ít gặp khác như viêm đĩa đệm đốt sống,...
- Chụp CT-san được thực hiện khi không có điều kiện chụp cộng hưởng từ do hiệu quả chẩn đoán kém chính xác hơn.
- Chụp tủy đồ: Đây là một kiểu chụp CT đặc biệt. Trong xét nghiệm này, thuốc cản quang được tiêm vào ống sống để làm cho tủy sống và rễ thần kinh được hiển thị rõ hơn.
- Điện cơ giúp phát hiện và đánh giá tổn thương các rễ thần kinh.
5.2.3. Chẩn đoán phân biệt
Cần phải phân biệt rõ biểu hiện của bệnh với các tình trạng sau:
- Các chấn thương vùng cột sống cổ gây tổn thương xương và đĩa đệm.
- Ung thư xương hoặc di căn xương, các bệnh lý tủy xương lành tính hoặc ác tính.
- U nội tủy, u thần kinh,...
- Bệnh lý của hệ động mạch sống nền.
5.3. Khám ở đâu uy tín?
Một số bệnh viện, phòng khám, nhà thuốc uy tín trong khám và chữa bệnh thoái hóa cột sống, ví dụ như:
- Khoa Cột sống - Bệnh viện Việt Đức. Địa chỉ: Số 16-18 Phủ Doãn, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Chuyên khoa Cột sống - Phòng khám Đa khoa Meditec. Địa chỉ: Số 52 bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Bệnh viện Y học cổ truyền Trung Ương. Địa chỉ: Số 22 Nguyễn Bỉnh Khiêm, hai Bà Trưng, Hà Nội.
- Khoa chấn thương chỉnh hình và Cột sống - Bệnh viện Bạch Mai. Địa chỉ: Số 78 Giải Phóng, quận Đống Đa, Hà Nội.
- Nhà thuốc Hải Sáu. Địa chỉ: Ngã tư Vũ Hạ, thôn Vũ Hạ - xã An Vũ - huyện Quỳnh Phụ - tỉnh Thái Bình.
- Bệnh viện Chợ Rẫy. Địa chỉ: Số 201B Nguyễn Chí Thanh, phường 12, quận 5, TP.Hồ Chí Minh.
- Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.Hồ Chí Minh. Địa chỉ: Số 929 Trần Hưng Đạo, phường 1, quận 5, TP. Hồ Chí Minh.
6. Các cách điều trị thoái hóa đốt sống cổ
Cùng với sự phát triển của nền y học hiện nay, điều trị thoái hóa cột sống được có thể thực hiện theo nhiều phương pháp khác nhau: điều trị không phẫu thuật và điều trị phẫu thuật.
6.1. Nguyên tắc chung
- Cần phối hợp phương pháp nội khoa và phục hồi chức năng, luyện tập, thay đổi lối sống nhằm bảo vệ cột sống cổ, tránh tái phát.
- Áp dụng các liệu pháp giảm đau theo mức độ nhẹ - vừa - nặng, hạn chế sử dụng dài ngày.
- Cần tăng cường các nhóm thuốc điều trị bệnh theo nguyên nhân.
6.2. Phương pháp chữa thoái hóa cột sống cổ
Dưới đây là các biện pháp được sử dụng trong điều trị thoái hóa cột sống cổ:
6.2.1. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu thường là phương pháp điều trị không phẫu thuật đầu tiên mà bác sĩ sẽ khuyến nghị. Các bài tập cụ thể có thể giảm đau cũng như tăng cường và kéo căng các cơ bị suy yếu hoặc căng thẳng.
Trong một số trường hợp, vật lý trị liệu có thể bao gồm liệu pháp tư thế hoặc sử dụng lực kéo để kéo căng các khớp và cơ ở cổ. Các bài tập vật lý trị liệu thường có liệu trình khác nhau nhưng thường kéo dài từ 6 đến 8 tuần và mỗi tuần 2 đến 3 lần.
Các phương pháp vật lý trị liệu phổ biến bao gồm:
- Phương pháp vật lý trị liệu bị động: chườm nóng, chườm lạnh, massage, trị liệu bằng tia Laser, máy tạo sóng xung kích, chấm cứu, diện chẩn, bấm huyệt,...
- Vật lý trị liệu chủ động: các chuyên viên vật lý trị liệu sẽ thiết kế bài tập riêng cho từng người bệnh bao gồm các động tác giãn cơ nhẹ nhàng, giảm mỏi cứng cổ, tăng cường sự dẻo dai ở vùng cổ và vai.
6.2.2. Điều trị nội khoa với thuốc
Thuốc chữa thoái hóa cột sống cổ có tác dụng nhanh đối với trường hợp đau cấp tính. Tuy nhiên, những nhóm thuốc này thường gây nhiều tác dụng không mong muốn cho người bệnh, do đó, người bệnh cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
Thuốc chữa thoái hóa cột sống cổ thường được chỉ định, ví dụ như:
- Thuốc giảm đau như paracetamol. Đây là sự lựa chọn ưu tiên với sự cân bằng giữa tác dụng không mong muốn và hiệu quả mong muốn. Nó có thể được sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với các hoạt chất như codein, dextropropoxyphen,...
- Thuốc giảm đau gây nghiện (opioid): Nhóm này có hiệu quả giảm đau hiệu quả nhưng chỉ được chỉ định khi không đáp ứng với nhóm giảm đau trên và tránh sử dụng dài ngày.
- Thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID): các dạng kinh điển (diclofenac, naproxen,...) hoặc các thuốc ức chế chọn lọc COX-2 (celecoxib, etoricoxib,...). Tuy nhiên cần thận trọng khi dùng nhóm thuốc này ở người bệnh cao tuổi, bệnh lý tim mạch và thận mạn tính.
- Thuốc giãn cơ như mydocalm,... để điều trị chứng co thắt cơ gây đau đớn.
- Thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm bao gồm piascledine, glucosamine, diacerein,...
- Các thuốc giảm đau thần kinh như gabapentin, pregabalin,... hoặc các vitamin nhóm B (B1, B6, B12).
- Thuốc tiêm Glucocorticoid cạnh cột sống: có hiệu quả từ vài ngày đến vài tháng. Lưu ý, không nên tiêm quá 3 lần trong một năm và cần có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
6.2.3. Điều trị ngoại khoa
Điều trị phẫu thuật được chỉ định trong các trường hợp như sau:
- Có biểu hiện chèn ép rễ thần kinh hoặc tủy sống tiến triển nặng, trượt cột sống độ 3 - 4.
- Điều trị nội khoa không đạt hiệu quả như mong muốn.
- Đã phục hồi chức năng sau 03 tháng.
Tuy nhiên, những trường hợp đau cổ dữ dội sẽ không phải là đối tượng để mổ thoái hóa đốt sống cổ. Hậu phẫu thuật cũng có thể gây ra một số biến chứng như chấn thương thần kinh, nhiễm trùng, chảy máu và cứng khớp.
6.2.4. Chữa thoái hóa đốt sống cổ bằng thuốc nam
Bên cạnh việc sử dụng các thuốc Tây y, nhiều người đang có xu hướng chuyển sang sử dụng các thuốc nam từ các thảo dược với ưu điểm an toàn, lành tính, ít tác dụng phụ.
Dưới đây là một số bài thuốc dân gian chữa thoái hóa đốt sống cổ, ví dụ như:
Bài thuốc số 1: Lá lốt, cây xấu hổ, đinh lăng.
- Bước 1: Rửa sạch các thảo dược trên, sau đó sao vàng vàng riêng từng loại.
- Bước 2: Lấy mỗi loại 30 gam cho vào ấm, thêm 1,5 lít nước rồi đem nấu sôi, để nguội. Uống 2 lần/ngày sau khi ăn sáng và trước khi đi ngủ. Dùng liên tục 7 ngày thì dừng và nghỉ 5 ngày nếu tiếp tục sử dụng.
Bài thuốc số 2: Tỏi khô và rượu trắng.
- Bước 1: Ngâm 40 gam tỏi khô đã bóc vỏ với 450 ml rượu trắng trong vòng 10 ngày. Khi rượu chuyển sang màu vàng nghệ thì có thể sử dụng được.
- Bước 2: Uống mỗi ngày một chén nhỏ trong khoảng 15 ngày.
Bài thuốc số 3: Lá, thân và rễ cây cỏ xước.
- Bước 1: Rửa sạch các bộ phận của cây.
- Bước 2: Lấy khoảng 100 - 300 gam sắc với 6 bát nước đến khi còn 3 bát nước là được.
- Bước 3: Uống mỗi ngày trong khoảng 15 ngày.
6.2.5. Điều trị bằng đông y
Để phát huy tác dụng tốt nhất của các thảo dược, các lương y đã nghiên cứu và bào chế ra các bài thuốc với các dạng bào chế tiện lợi hơn cho người sử dụng như dạng uống, dạng chườm.
Các thuốc Đông y chứa các thành phần lành tính do sử dụng các nguyên liệu từ thiên nhiên nên chi phí cũng thấp hơn so với các thuốc Tây y. Tuy nhiên, khi sử dụng các thuốc Đông y, người bệnh phải kiên trì áp dụng theo đúng liệu trình mới có thể đạt hiệu quả tốt nhất.
6.2.6. Tập luyện để bảo tồn
Kết hợp giữa dùng thuốc và tập luyện là rất cần thiết đối với người thoái hóa cột sống cổ. Các bài tập như yoga cho người thoái hóa đốt sống cổ, kéo giãn cột sống cổ,... đều là những động tác nhẹ nhàng, tác động sâu và được nhiều chuyên gia đánh giá cao.
Việc áp dụng đều đặn, uyển chuyển những bài tập này mỗi ngày sẽ giúp hỗ trợ điều trị cũng như dự phòng bệnh tái phát.
Ngoài ra, việc sử dụng gối cho người thoái hóa đốt sống cổ giúp người bệnh nhanh chóng cải thiện được tình trạng bệnh.
7. Hướng dẫn chăm sóc và phòng ngừa bệnh thoái hóa đốt sống cổ
Để phòng ngừa bệnh tái phát cũng như phòng tránh bệnh diễn tiến, bạn cần lưu ý những điều sau đây:
7.1. Chế độ ăn uống
Thoái hóa đốt sống cổ nên ăn gì? Thoái hóa đốt sống cổ không nên ăn gì? là thắc mắc của nhiều người bệnh.
Thiết lập một chế độ ăn uống cân bằng và bổ dưỡng là nền tảng của một sức khỏe tốt và cột sống của bạn cũng không nằm ngoài quy luật này.
Hàng ngày, cơ thể cần được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất từ trái cây, rau, thịt nạc và ngũ cốc nguyên hạt sẽ đảm bảo rằng cột sống sẽ nhận được đủ lượng chất dinh dưỡng cần thiết cho xương và khớp khỏe mạnh.
Vì vậy, người bệnh nên bổ sung các thực phẩm chứa nhiều canxi như các sản phẩm sữa ít béo, các loại ra xanh và các loại hạt. Đồng thời, bạn cũng nên tránh các đồ uống nhiều đường và hạn chế sử dụng caffeine và rượu.
Tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh cũng là một cách tốt nhất để duy trì cân nặng hợp lý và làm giảm sự hao mòn ở các khớp khi phải chịu trọng lượng lớn từ cơ thể.
7.2. Duy trì hoạt động thể chất
Tất cả các đốt sống cổ được bảo vệ tốt hơn nếu hệ thống cơ xung quanh chúng khỏe mạnh và linh hoạt. Tập thể dục hàng ngày được khuyến khích cho tất cả mọi người.
Điều này sẽ giúp bạn duy trì cân nặng hợp lý, tăng cường sức mạnh cho vai, lưng trên và cổ; duy trì sự linh hoạt của cổ.
7.3. Đảm bảo đúng tư thế
Hoạt động đứng hoặc ngồi ảnh hưởng nhiều đến cột sống của người bệnh. Do đó, người bệnh nên:
- Đứng thẳng, không khom lưng hoặc chùng vai để giữ cổ thẳng hàng.
- Khi nâng bất cứ đồ vật gì, luôn cố gắng để hai chân rộng bằng hai vai và gập đầu gối chứ không gập lưng khi nâng.
- Trong trường hợp, nâng đồ vật quá nặng, tốt nhất nên sử dụng xe đẩy hoặc sử dụng các trợ giúp để tránh bị thương.
- Thường xuyên đứng dậy đi lại 5 - 10 phút sau 45 phút làm việc, vận động cổ với các bài tập nhẹ nhàng.
- Ngồi làm việc đúng tư thế, phải có cảm giác thoải mái, lưng thẳng, không lệch trái hay phải.
- Khi nằm không nên sử dụng gối quá cao hoặc quá thấp.
Trên đây là những thông tin về bệnh thoái hóa đốt sống cổ mà người bệnh có thể tham khảo. Hy vọng những kiến thức này hữu ích đối với bạn và những người xung quanh.
Nếu người bệnh có bất cứ thắc mắc hay băn khoăn nào về bệnh thoái hóa đốt sống cổ, hãy liên hệ với chúng tôi theo hotline dưới đây để được tư vấn miễn phí.
Chúc bạn và gia đình sức khỏe!