Prednisolon là thuốc chống viêm mà nhiều người sử dụng trong điều trị bệnh xương khớp. Tuy nhiên, thuốc prednisolon là thuốc gì, tác dụng của thuốc đối với cơ thể và cách sử dụng như thế nào. Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây!
1. Prednisolon là thuốc gì?
Prednisolon thuộc nhóm thuốc nào? Prednisolon là một thành phần hoạt chất thuộc nhóm thuốc được gọi là corticosteroid. Thuốc prednisolon được FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) chấp thuận vào ngày 21 tháng 6 năm 1995.
2. Dạng thuốc và hàm lượng
Hiện nay, hoạt chất prednisolon được bào chế dưới nhiều dạng muối của nó như prednisolon acetat, methylprednisolon,... với các dạng bào chế và hàm lượng như sau:
- Viên nén hoặc viên nén bao tan trong ruột: 2,5mg; 5mg; 10mg; 20mg và 50mg
- Prednisolon dạng thuốc tiêm: Prednisolon natri phosphat 20mg/mL
- Hỗn dịch tiêm: Prednisolon acetat 25mg/mL
- Thuốc đạn đặt trực tràng: 5mg; 20mg (dạng muối natri phosphat)
- Dịch treo để thụt: 20mg/100mL (dạng prednisolon natri metasulfobenzoat)
- Dung dịch nhỏ mắt: 0,5% (dạng muối natri phosphat)
- Siro prednisolon: 15mg/5mL
3. Cơ chế tác dụng
Công dụng của thuốc prednisolon được biết đến như chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch. Các tác dụng của thuốc prednisolon được hình thành là do:
- Tác dụng ngắn hạn của corticosteroid là làm giảm sự giãn mạch và tính thấm của mao mạch, cũng như giảm sự di chuyển của bạch cầu đến các vị trí viêm.
- Prednisolon ức chế quá trình apoptosis của bạch cầu trung tính và quá trình khử phân bào; phospholipase A2, làm giảm sự hình thành các dẫn xuất axit arachidonic; NF-Kappa B và các yếu tố phiên mã gây viêm khác và thúc đẩy các gen chống viêm như interleukin-10.
- Liều thấp hơn của corticosteroid cung cấp tác dụng chống viêm, trong khi liều cao hơn có tác dụng ức chế miễn dịch. Liều cao glucocorticoid trong thời gian dài liên kết với thụ thể mineralocorticoid, làm tăng nồng độ natri và giảm nồng độ kali.
4. Dược động học của prednisolon
Ở người, dược động học của prednisolon rất phức tạp. Sau khi uống, nó thể hiện sự hấp thu nhanh chóng và gần như hoàn toàn (80% -100%). Nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được từ 1 đến 2 giờ sau khi uống.
Tương tự như nhiều hormone steroid, prednisolon được cho là được chuyển hóa bởi enzyme cytochrome P450, cụ thể là CYP3A4. Các con đường chuyển hóa chính là 6-hydroxyl hóa bởi CYP3A4 cùng với việc giảm nhóm 20-keto của cả prednisolon và prednisone.
Sự phân bố của prednisolon phụ thuộc vào đặc tính liên kết với protein của nó. Prednisolone cho thấy khả năng liên kết với protein cao hơn (80% -90%) ở nồng độ thấp, nhưng liên kết với protein thấp hơn (60% -70%) ở nồng độ cao hơn khi transcortin trở nên bão hòa.
Sự bài tiết của prednisolon xảy ra qua đường tiểu, và khoảng 20% liều dùng được bài tiết ở dạng không thay đổi.
5. Chỉ định của thuốc prednisolon
Prednisolon được chỉ định để điều trị các chứng viêm và bệnh tự miễn dịch như viêm khớp, hen suyễn, dị ứng nghiêm trọng, các vấn đề về da, mắt, phổi, dạ dày, hệ thần kinh hoặc tế bào máu, rối loạn nội tiết, lupus, viêm loét đại tràng.
6. Liều dùng và cách sử dụng thuốc prednisolon
Prednisolon (dùng đường uống)
- Người lớn: Dùng liều 5 - 60mg/ngày tùy theo bệnh điều trị, chia 2 - 4 lần/ngày.
- Trẻ em: Liều dùng có thể từ 0,14 - 2 mg/kg/ngày hoặc 4 - 60mg/ngày, chia 2 - 4 lần.
Prednisolon acetat (dùng tiêm bắp, tiêm trong khớp và mô mềm)
- Người lớn: Liều 4 - 60mg/ngày và tiêm bắp cứ 12 giờ/lần.
- Trẻ em: Liều 0,04 - 0,25 mg/kg hoặc 1,5 - 7,5 mg/m2, tiêm bắp 1 - 2 lần/ngày.
Trong trường hợp nguy hiểm có thể dùng liều tiêm bắp rất cao và gấp nhiều lần so với đường uống.
Prednisolon natri phosphat (đường uống, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch, tiêm trong khớp, mô mềm, truyền tĩnh mạch)
- Người lớn: Liều khởi đầu có thể từ 4 - 60mg/ngày tùy thuộc vào bệnh điều trị. Liều duy trì: 10 - 400mg/ngày.
- Trẻ em: Dùng liều 0,04 – 0,25 mg/kg hoặc 1,5 – 7,5 mg/m2 tiêm bắp hoặc tĩnh mạch, 1 hoặc 2 lần mỗi ngày.
Khi dùng thuốc để tiêm trong khớp, tổn thương và mô mềm, liều thường dùng 2 - 30mg trong 3 ngày đến 3 tuần một lần. Tuy nhiên , nếu tiêm trong khớp nhiều lần có thể gây tổn hại đến mô khớp.
Đối với những khớp lớn như khớp gối có thể dùng liều 10 - 2- mg/ngày. Đối với khớp nhỏ hơn dùng liều 4 -5 mg/ngày.
7. Tác dụng không mong muốn của prednisolon
Các phản ứng có hại do sử dụng prednisolone bao gồm:
- Tăng cảm giác thèm ăn, tăng cân, buồn nôn và khó chịu.
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Các tác dụng ngoài da bao gồm đỏ mặt, bầm tím/đổi màu da, suy giảm khả năng chữa lành vết thương, mỏng da, phát ban trên da, tích tụ chất lỏng và mọc lông bất thường.
- Tăng đường huyết; bệnh nhân tiểu đường có thể cần tăng insulin hoặc các liệu pháp điều trị tiểu đường.
- Kinh nguyệt bất thường.
- Ít phản ứng với hormone, đặc biệt là trong các trường hợp căng thẳng như phẫu thuật hoặc bệnh tật.
- Thay đổi chất điện giải: tăng huyết áp, tăng natri và ít kali, dẫn đến nhiễm kiềm
- Ảnh hưởng hệ tiêu hóa: sưng niêm mạc dạ dày, tăng men gan có thể đảo ngược và nguy cơ loét dạ dày.
- Bất thường về cơ và xương, chẳng hạn như yếu cơ/mất cơ, loãng xương, gãy xương dài, đứt gân và gãy xương lưng.
- Các tác động thần kinh, bao gồm cử động không tự chủ (co giật), đau đầu và chóng mặt.
- Rối loạn hành vi
- Thủng vách ngăn mũi và thủng ruột (trong một số bệnh lý).
- Dùng liều cao có thể dẫn đến suy tuyến thượng thận.
8. Chống chỉ định
Thuốc không nên sử dụng cho người dị ứng với prednisolon, nhiễm khuẩn nặng, sốc nhiễm khuẩn, lao màng não, nhiễm trùng da do nấm, virus và lao hoặc sử dụng vaccin virus sống.
9. Thận trọng
Prednisolon sử dụng thận trọng cho phụ nữ mang thai và cho con bú, người cao tuổi, rối loạn tâm thần, loét dạ dày, loét tá tràng, đái tháo đường, tăng huyết áp, trẻ nhỏ do nguy cơ dễ xảy ra những tác dụng không mong muốn trên những đối tượng này.
10. Tương tác thuốc
Hiện nay, có tổng cộng 501 thuốc được biết đến là tượng tác với prednisolon, chẳng hạn như:
- Amphotericin B hoặc thuốc lợi tiểu: Làm giảm tác dụng của thuốc này.
- Glycosid digitalis: Tăng cường khả năng loạn nhịp tim hoặc ngộ độc digitalis liên quan đến hạ kali máu.
- Thuốc chống đông máu đường uống: GIảm đáp ứng thời gian prothrombin.
- Thuốc trị đái tháo đường: Giảm tác dụng của thuốc trị đái tháo đường.
- Aspirin: Tăng tác dụng gây loét, giảm tác dụng dược lý của aspirin.
- Barbiturat, Phenytoin hoặc Rifampicin: Tăng độ thanh thải chuyển hóa của fludrocortisone acetat vì cảm ứng với các enzym gan.
- Steroid đồng hóa như Oxymetholone, Methandrostenolone, Norethandrolone: Tăng khuynh hướng phù nề.
11. Quá liều và xử trí
Quá liều prednisolon không gây ra các triệu chứng đe dọa đến tính mạng nhưng sử dụng thuốc liều cao trong thời gian dài có thể dẫn đến triệu chứng như da mỏng, dễ bầm tím, tăng mụn trứng cá hoặc lông mặt, rối loạn kinh nguyệt, bất lực hoặc mất cảm hứng với tình dục.
Trong những trường hợp này cần cân nhắc đến việc tạm ngừng hoặc ngừng hẳn việc sử dụng thuốc prednisolon.
12. Mọi người thường hỏi về prednisolon
Dưới đây là một số câu hỏi mà nhiều người thường hỏi khi sử dụng prednisolon:
Thuốc prednisolon có giá bao nhiêu?
Một số thuốc có chứa hoạt chất prednisolon trên thị trường hiện nay (theo Cục quản lý Dược - Bộ Y Tế):
- Pred Forte (prednisolon acetat), hỗn dịch nhỏ mắt, Allergan Pharmaceuticals Ireland: 33.987 VNĐ/chai.
- Zidofat 16 (methylprednisolon 16mg), viên nén, Công ty cổ phần dược VTYT Hà Nam: 3950 VNĐ/viên
- Metyldron (methylprednisolon 4mg), viên nén, Công ty TNHH MTV 120 Armephaco: 1050 VNĐ/viên.
- Solu-Medrol (methyprednisolon 40mg), bột đông khô pha tiêm, Pfizer Manufacturing Belgium NV: 39.900 VNĐ/viên.
- Somidex (Methylprednisolon natri succinat 125mg), bột pha tiêm, Gentle Pharma Co., Ltd: 68.305 VNĐ/viên.
Bạn có thể dùng prednisone trong bao lâu?
Đối với thuốc chứa hoạt chất prednisolon, tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh mà nó được kê trong thời gian khác nhau. Thông thường, thuốc được kê đơn trong 8 tuần và người bệnh không nên tự ý dừng thuốc ngay cả khi tình trạng bệnh đang dần tốt lên.
Tôi có thể dùng prednisone khi bụng đói không?
Prednisolon không bao giờ được uống khi đói. Tốt nhất nên uống vào buổi sáng, sau khi ăn và trước 9 giờ sáng. Bởi buổi sáng là thời gian cơ thể bắt đầu sản xuất cortisone tự nhiên và dùng liều prednisolon quá muộn vào buổi tối có thể gây khó ngủ.
Trên đây là bài chia sẻ về thuốc chứa hoạt chất prednisolon mà bạn có thể tham khảo. Hy vọng những thông tin này hữu ích đối đối với bạn, đặc biệt người bệnh viêm khớp.
Nếu bạn còn băn khoăn hay thắc mắc về bệnh viêm khớp, hãy liên hệ theo hotline dưới đây để được chuyên gia tư vấn.
Chúc bạn và gia đình sức khỏe!