Triệu chứng đau ngón chân cái là một trong những chứng bệnh về cơ xương khớp có nhiều người mắc phải. Nhận biết sớm nguyên nhân, triệu chứng, cũng như cách điều trị là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa những biến chứng do cơn đau ngón chân cái gây ra.
1. Nguyên nhân đau ngón chân cái
Đau ngón chân cái là một triệu chứng khá phổ biến, gặp ở hầu hết các bệnh lý liên quan tới chấn thương, cơ, xương, khớp, thần kinh,... Các nguyên nhân gây đau ngón chân cái hay được kể tới là:
1.1. Chấn thương
Dập ngón chân, móng chân cái.
Đứt, gãy ngón chân hay móng chân cái.
Trật khớp, bong gân.
Biến dạng ngón chân cái, đặc biệt hay gặp ở những người mang giày không phù hợp hoặc không thoải mái.
Bỏng.
Gãy xương vừng (xương vừng là cấu trúc xương nhỏ nằm trong gân, gân được gắn vào ngón chân cái).
1.2. Nhiễm trùng
Đau ngón chân cái có thể phát sinh từ những bệnh lý nhiễm trùng khác nhau như:
Nhiễm nấm bàn chân.
Nhiễm trùng da - Viêm mô tế bào.
Nhiễm trùng vết thương tại ngón chân cái.
Nhiễm trùng xương hay viêm xương tủy.
1.3. Thoái hóa, viêm và nguyên nhân do bệnh lý thần kinh
Bệnh Gout: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra các cơn đau tại khớp ngón chân cái. Do sự lắng đọng các tinh thể muối urat hay xảy ra ở các vị trí này.
Biến chứng của bệnh tiểu đường, nghiện rượu: Gây tổn thương dây thần kinh, làm yếu đi các cơ ở bàn chân và gây đau ngón chân cái.
Bệnh lý thần kinh ngoại biên.
Bệnh bunion.
Thoái hóa khớp.
Viêm khớp ngón chân cái.
Viêm bao màng hoạt dịch.
Viêm khớp dạng thấp.
Viêm khớp vảy nến.
1.4. Nguyên nhân khác
Có khối u tại cơ, xương.
Móng chân mọc ngược.
Bệnh động mạch ngoại biên làm hạn chế lưu lượng máu đến các chi trong đó có ngón chân cái.
2. Triệu chứng đau ngón chân cái
Với mỗi nguyên nhân gây bệnh khác nhau sẽ dẫn tới triệu chứng đau ngón chân cái khác nhau. Trong đó, một số biểu hiện phổ biến nhất có thể kể đến như:
Sưng, tấy các khớp hoặc cả ngón chân cái. Dấu hiệu này hay gặp ở người mắc bệnh Gout hoặc viêm khớp dạng thấp.
Cơ bắp tại ngón chân cái hay ở bàn chân yếu dần.
Có tiếng lạo xạo khi đi lại hoặc chuyển động ngón chân.
Đi lại khó khăn.
Các khớp ngón chân cái khó cử động, xảy ra hiện tượng khóa khớp.
Biến dạng ngón chân cái, nếu xảy ra tình trạng này có nghĩa ngón chân cái của bạn đang gặp vấn đề lớn.
Ngoài ra, còn một số triệu chứng không điển hình như:
Xuất hiện các vết bầm, tím ở ngón chân cái.
Cảm giác nóng, rát ở ngón chân hoặc có cảm giác ngón chân lạnh đột ngột.
Xuất hiện các triệu chứng giống như mắc cúm: Sốt, mệt mỏi, nổi da gà,...
Tê ngón chân cái.
Tin liên quan
3. Biến chứng đau ngón chân cái
Vì đau ngón chân cái có thể tiến triển, nếu bạn không điều trị có thể dẫn đến các biến chứng và tổn thương vĩnh viễn, bao gồm:
Đau mạn tính.
Tàn tật.
Mất ngón chân (cắt cụt chi).
Tổn thương thần kinh vĩnh viễn.
Bội nhiễm: Đây là biến chứng khá phức tạp. Khi ổ nhiễm khuẩn không được xử lý kịp thời có thể dẫn tới nhiễm khuẩn huyết và gây tử vong.
Ngoài ra, đau khớp ngón chân cái còn liên quan tới các bệnh lý xương khớp, nếu phát hiện muộn không tránh khỏi những biến chứng như:
Biến dạng ngón chân.
Sụn khớp bị phá hủy dẫn tới các khớp lỏng lẻo.
Chết xương.
Chảy máu trong khớp.
Gãy xương.
4. Chẩn đoán
Muốn chẩn đoán chính xác nguyên nhân, cũng như đưa ra hướng xử lý phù hợp với tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ dựa vào hai kết quả chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng.
4.1. Lâm sàng
Bác sĩ sẽ hỏi người bệnh những câu hỏi liên quan đến triệu chứng như:
Bạn đau tại vị trí nào?
Mô tả những triệu chứng của cơn đau: Bắt đầu khi nào, cơn đau xảy ra đột ngột hay diễn ra từ từ,...
Có sưng đỏ không?
Ngoài ra, bạn có thêm triệu chứng nào khác không?
Dựa vào triệu chứng khai thác được, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán sơ bộ. Và cần kết hợp với kết quả cận lâm sàng sau để kiểm tra chắc chắn và loại trừ nguyên nhân gây bệnh.
4.2. Cận lâm sàng
Xét nghiệm máu: Chú trọng vào nồng độ acid uric để chẩn đoán Gout, và sự bất thường của các tế bào máu giúp chẩn đoán nhiễm khuẩn.
Chụp X-quang: Phát hiện những bất thường tại ngón chân cái.
Chụp MRI: Giúp kiểm tra sụn, dây thần kinh, mao mạch, dây chằng và kiểm tra mức độ tổn thương.
Điện cơ (EMG): Giúp xác định mức độ phản ứng của cơ bắp khi có dòng điện kích thích chạy qua.
5. Điều trị
Có quá nhiều nguyên nhân dẫn tới đau ở ngón chân cái. Vì vậy, sẽ có những phác đồ riêng sau khi thăm khám và chẩn đoán nguyên nhân chính xác.
Sau đây là một số phương pháp điều trị phổ biến dành cho người đau ngón chân cái.
5.1. Điều trị bằng thuốc Tây
Thuốc Tây y có ưu điểm là giảm cơn đau và kiểm soát các triệu chứng đi kèm nhanh chóng. Một số loại thuốc hay được kê là:
Paracetamol: Đây là loại thuốc rất phổ biến, thuốc giúp giảm đau ở mức độ vừa và nhẹ.
Thuốc giảm đau, chống viêm không steroid (NSAIDs): Các thuốc hay được dùng là Ibuprofen, Naproxen,... Các loại thuốc này cũng được sử dụng với trường hợp đau ở mức độ vừa và nhẹ.
Thuốc ức chế enzyme xanthine oxidase: Giúp hạ acid uric trong máu. Các thuốc hay được dùng như Allopurinol, Febuxostat,... Các loại thuốc này có hiệu quả tốt với bệnh nhân bị đau ngón chân cái do mắc bệnh Gout.
Gel bôi tại chỗ có chứa thành phần giảm đau như Diclofenac (Voltaren)
Tiêm corticoid: Áp dụng với trường hợp bệnh nhân đau nặng, không đáp ứng với NSAIDs hay Paracetamol.
Các DMARDs - Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm.
Tuy tác dụng nhanh nhưng các loại thuốc Tây trên gây tác dụng phụ trên gan, thận, dạ dày, và dễ gây dị ứng,... Bệnh nhân cần chú ý và báo ngay cho y bác sĩ phụ trách khi có phản ứng bất lợi xảy ra.
5.2. Điều trị bằng thuốc Nam
Là phương pháp trị bệnh lành tính và hiệu quả cao, các bài thuốc dân gian luôn là phương án được nhiều bệnh nhân bị đau ngón chân cái tin tưởng và sử dụng. Những bài thuốc sau rất hay được áp dụng.
Bài thuốc từ lá tía tô
Nguyên liệu: Lá tía tô tươi.
Thực hiện: Rửa sạch, đun cùng 1 lít nước trong khoảng 15 phút. Sau đó chắt nước uống mỗi ngày và duy trì trong hai tuần.
Bài thuốc từ cây dây đau xương
Nguyên liệu: 200g dây đau xương chặt nhỏ.
Thực hiện: Sao vàng dây đau xương, sắc lấy nước uống trong ngày.
Sử dụng giấm táo
Đem giấm táo pha loãng với nước ấm, và ngâm chân trong khoảng 15 phút.
Bài thuốc từ ngải cứu và rượu trắng
Nguyên liệu: 100g ngải cứu, rượu trắng.
Thực hiện: Sao nóng ngải cứu cùng một ít rượu trắng. Sau đó, bọc hỗn hợp vào túi vải và chườm tại ngón chân cái bị đau. Thực hiện kiên trì đều đặn trong 10 ngày.
Sử dụng lá lốt chữa đau ngón chân cái
Nguyên liệu: Lá lốt, muối hạt.
Thực hiện: Giã nát lá lốt cùng với ít muối và đắp vào ngón chân cái bị đau.
5.3. Vật lý trị liệu
Ngoài việc dùng thuốc, vật lý trị liệu là phương pháp kiểm soát cơn đau ngón chân cái khá hiệu quả.
Các chuyên gia vật lý trị liệu sẽ tiến hành các bài tập giúp máu huyết lưu thông, tăng phạm vi chuyển động của ngón chân cái, và tăng cường cơ bắp cho chân. Từ đó, bệnh nhân sẽ cảm thấy bớt đau, di chuyển dễ dàng hơn.
Một vài phương pháp vật lý trị liệu hay được sử dụng là:
Châm cứu.
Bấm huyệt.
Chườm nóng hoặc chườm lạnh để tiêu viêm, giảm sưng đau.
Lồng xông ngải cứu.
Massage ngón chân cái đang sưng đau.
6. Lưu ý khi bị đau ngón chân cái
Theo các chuyên gia, dù chỉ cảm thấy đau nhức nhẹ, người bệnh tuyệt đối không được chủ quan.
Khi bị đau nhẹ, cơn đau chỉ kéo dài trong ba ngày, bạn cần lưu ý vài điểm sau để cơn đau được thuyên giảm nhanh chóng:
Tuyệt đối không xoa thuốc hoặc chườm vào các vết thương hở, mưng mủ.
Nghỉ ngơi đầy đủ, hạn chế đi lại để tránh tạo áp lực lên các khớp ngón chân.
Trong trường hợp cơn đau kéo dài trên ba ngày, bệnh nhân cần tiến hành thăm khám để tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
7. Phòng ngừa đau ngón chân cái
Bên cạnh việc điều trị, người bệnh cần chú trọng vào các bài tập và chế độ ăn uống sinh hoạt. Điều này sẽ giúp lùi cũng như phòng tránh cơn đau ngón chân cái tái phát.
Luôn đi giày dép vừa chân; hạn chế mang giày cao gót lâu ngày để tránh tạo áp lực lên các ngón chân, đặc biệt ngón chân cái.
Hạn chế vận động quá mạnh; chơi các môn thể thao dễ gây chấn thương tại ngón chân cái như chạy điền kinh, bóng đá, múa bale…
Thường xuyên luyện tập các bài tập cải thiện tính linh hoạt của ngón chân.
Luôn khởi động thật kỹ trước mỗi bài tập.
Chế độ ăn uống cần đủ chất dinh dưỡng:
Bổ sung nhiều chất xơ có trong các loại rau họ cải, thảo mộc, trà xanh, các loại gia vị,...
Tăng cường các thực phẩm giàu calci, vitamin D giúp xương chắc khỏe.
Với bệnh nhân bị Gout cần kiêng các loại thịt đỏ, hải sản, nội tạng của động vật; hạn chế rượu bia, đồ uống có cồn, các chất kích thích,...
Ăn ít đồ ăn nhiều đường, thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên xào.
Trên đây là những thông tin hữu ích liên quan tới chứng đau ngón chân cái. Ngay khi có dấu hiệu giống như trên bạn nên đi tới cơ sở y tế để có chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh để có phương án điều trị phù hợp.
Nếu thấy bài viết hay, hãy like và chia sẻ để mọi người xung quanh có thêm kiến thức về chứng bệnh tưởng chừng đơn giản nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ này nhé.