Hội chứng thắt lưng hông không chỉ gây tổn thương đến cột sống mà nó còn tổn thương cả hệ thống thần kinh liên quan đến cột sống. Vậy, hội chứng thắt lưng hông biểu hiện như thế nào? Nó có nguy hiểm không? Để hiểu rõ hơn về hội chứng này. mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây.
1. Hội chứng thắt lưng hông là gì?
Hội chứng thắt lưng hông còn được gọi là hội chứng rễ thần kinh thắt lưng cùng hay hội chứng đau lưng vùng thấp (Low back pain) là hội chứng do đau khu trú tại các rễ thần kinh từ L1 đến L5.
Hội chứng thắt lưng hông là một tổn thương kết hợp bởi 2 hội chứng nhỏ hơn là hội chứng cột sống và hội chứng rễ thần kinh.
2. Triệu chứng của hội chứng thắt lưng hông
Khi mắc hội chứng thắt lưng hông, người bệnh thường có triệu chứng phối hợp của hội chứng cột sống và hội chứng rễ thần kinh. Khi đó, mỗi hội chứng lại gây ra những triệu chứng khác nhau, cụ thể như sau:
2.1. Hội chứng cột sống
Các triệu chứng của hội chứng cột sống, đó là:
- Đau cột sống thắt lưng: Cơn đau có thể xuất hiện đột ngột sau chấn thương hoặc đau xuất hiện từ từ. Các cơn đau có thể dữ đội hay âm ỉ nhưng khi ấn vào mỏm gai các đốt sống sẽ xuất hiện cảm giác đau nhói.
- Biến dạng cột sống: Biểu hiện có thể nhìn thấy rõ là lưng bị gù hoặc lệch vẹo cột sống.
- Giảm biên độ hoạt động của cột sống thắt lưng: Người bệnh gặp khó khăn khi thực hiện các động tác như cúi người, ngửa người, nghiêng hoặc xoay người.
- Co cứng cơ cạnh sống.
2.2. Hội chứng rễ thần kinh
Các dấu hiệu của hội chứng rễ thần kinh, đó là:
- Đau rễ thần kinh với những cơn đau lan dọc đường đi của rễ thần kinh và triệu chứng đau nhức. Cơn đau tăng khi đi lại hoặc hắt hơi. Trong các trường hợp bệnh nặng, cơn đau xuất hiện ở bất kỳ tư thế nào.
- Tê bì chân tay, mất cảm giác, hạn chế khả năng đi lại.
- Căng rễ thần kinh có cảm giác đau khi ấn trên đường cạnh sống ngang điểm giữa của khe gian đốt.
3. Nguyên nhân và cách phòng ngừa hội chứng thắt lưng hông
Có nhiều nguyên nhân gây hội chứng thắt lưng hông, trong đó phải kể đến các nguyên nhân chính như sau:
3.1. Nguyên nhân cơ học
Nguyên nhân phổ biến do căng giãn cơ, dây chằng tại cột sống quá mức, bê vật nặng hoặc vận động sai tư thế.
Nguyên nhân này thường gặp ở những người làm công việc văn phòng, tham gia các hoạt động thể thao mạnh ở vùng thắt lưng hoặc làm công việc yêu cầu khuân vác nặng,...
3.2. Do viêm cột sống dính khớp
Khi xuất hiện các triệu chứng đau thắt lưng về đêm và gần sáng kèm theo vận động cột sống khó khăn thì đây có thể là dấu hiệu của bệnh viêm cột sống dính khớp.
Khi chẩn đoán bằng X - quang, vùng cột sống sẽ có dạng “đường ray” hoặc dạng cây tre.
3.3. Do thoát vị đĩa đệm
Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hội chứng thắt lưng hông (chiếm khoảng 60 - 90 %). Khi tình trạng thoát vị đĩa đệm xảy ra khiến dịch từ đĩa đệm chảy ra ngoài và tạo nên áp lực chèn ép rễ thần kinh, gây đau vùng thắt lưng.
3.4. Các yếu tố nguy cơ khác
Ngoài các nguyên nhân trên, hội chứng này xuất hiện khi người bệnh mắc các nguy cơ sau:
- Bệnh lý: Lao cột sống, thoái hóa cột sống thắt lưng, ung thư cột sống thắt lưng, u màng tủy, u rễ thần kinh, viêm màng nhện tủy dày dính, áp xe ngoài màng cứng vùng thắt lưng,...
- Bệnh toàn thân: đái tháo đường (tiểu đường), viêm dây thần kinh hông to do virus.
- Do chấn thương hoặc tiêm vùng mông sai kỹ thuật.
- Dị tật bẩm sinh vùng cột sống thắt lưng như gai đôi cột sống, hẹp ống sống,...
- Tuổi tác: Tuổi càng cao tỷ lệ mắc bệnh càng cao.\
4. Biến chứng của hội chứng thắt lưng hông
Triệu chứng của bệnh có thể giống với một số bệnh xương khớp khác, do đó, người bệnh cần phải phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời. Nếu để tình trạng bệnh dai dẳng có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm sau:
4.1. Rối loạn vận động
Biến chứng này có thể dẫn đến bại và liệt cơ do tổn thương các đốt sống sau:
- Tổn thương rễ L5: Người bệnh không đi lại được bằng gót chân, giảm sức cơ khu trước ngoài cẳng chân, thậm chí có thể teo cơ khu trước ngoài cẳng chân.
- Tổn thương rễ S1: Người bệnh không đi lại được bằng mũi chân, giảm sức cơ khu sau cẳng chân và gây teo cơ.
- Tổn thương vùng rễ thắt lưng cùng có thể gây bại liệt hay chân trong bệnh cảnh lâm sàng của hội chứng đuôi ngựa.
4.2. Rối loạn phản xạ
Biến chứng này gây giảm hoặc làm mất các phản xạ gân:
- Giảm và mất phản xạ gân bánh chè do tổn thương rễ L3, L4.
- Giảm và mất phản xạ gân gót cho tổn thương rễ S1.
- Giảm và mất phản xạ da như phản xạ đùi - bìu do tổn thương rễ L1, L2 hoặc phản xạ da gan chân do tổn thương rễ S1, S2.
4.3. Rối loạn cơ thắt
Hội chứng thắt lưng hông gây tổn thương rễ S3, S4, S5 có thể gây rối loạn cơ thắt kiểu ngoại vi. Triệu chứng có thể nhận biết được là khi người bệnh thường cảm thấy bí tiểu tiện, sau đó là trình trạng mất kiểm soát tiểu tiện do liệt cơ thắt.
4.4. Rối loạn thần kinh thực vật
Thần kinh thực vật bị tổn thương sẽ gây ra nhiều triệu chứng có thể nhận biết dễ dàng như giảm nhiệt độ da, giảm tiết mồ hôi, rối loạn mạch, mất phản xạ chân lông,...
5. Chẩn đoán hội chứng thắt lưng hông
Thông thường trong chẩn đoán hội chứng này, các chuyên gia thường tiến hành thăm khám lâm sàng trước khi đưa ra các chỉ định xét nghiệm khác.
Để chẩn đoán hội chứng này, có 6 tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng thắt lưng hông, cụ thể như sau:
- Đau cột sống thắt lưng có tính chất cơ học.
- Mất đường cong sinh lý.
- Đau lan theo dây thần kinh hông to.
- Có yếu tố chấn thương.
- Dấu hiệu chuông bấm dương tính (+).
- Dấu hiệu Lasegue dương tính (+).
Nếu người bệnh có 4/6 dấu hiệu như trên thì có thể kết luận được là người bệnh có nguy cơ mắc hội chứng thắt lưng hông.
Ngoài ra, người bệnh cần tiếp tục thực hiện chẩn đoán theo từng giai đoạn cụ thể như sau:
- Giai đoạn 1: Lồi đĩa đệm có biểu hiện lâm sàng của hội chứng cột sống.
- Giai đoạn 2: Rễ thần kinh bị kích thích.
- Giai đoạn 3: Rễ thần kinh bị tổn thương. Ban đầu nó làm giảm vận động, phản xạ và cảm giác. Sau đó, khi tổn thương hoàn toàn rễ sẽ làm mất khả năng vận động, cảm giác và phản xạ.
- Giai đoạn 4: Rễ thần kinh bị tổn thương nghiêm trọng dẫn tới vùng thắt lưng đau dai dẳng trong thời gian dài.
Trong một số trường hợp nghi ngờ, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ MRI, xét nghiệm máu,...
6. Điều trị hội chứng thắt lưng hông
Điều trị hội chứng này cần căn cứ vào tình trạng bệnh của từng bệnh nhân để chỉ định phương pháp cho hợp lý.
6.1. Nguyên tắc phục hồi và điều trị
Nguyên tắc chung trong việc điều trị hội chứng này là xác định nguyên nhân và triệu chứng bệnh để có phương án trị liệu phù hợp với từng tình trạng bệnh
6.2. Các phương pháp điều trị
Dưới đây là một số phương pháp điều trị hội chứng đau thắt lưng:
6.2.1. Điều trị nội khoa
Một số thuốc thường được sử dụng trong điều trị hội chứng này như sau:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Khi sử dụng nhóm thuốc này có thể chọn một trong các thuốc của nhóm này nhưng lưu ý không nên kết hợp hai thuốc NSAIDs, ví dụ như piroxicam, meloxicam, celecoxib,...
- Paracetamol có thể dùng riêng hoặc kết hợp với codein hoặc tramadol.
- Thuốc giãn cơ như tolperisone, eperisone,...
- Thuốc giảm đau thần kinh như gabapentin, pregabalin,...
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng như amitriptylin,...
Tuy nhiên, khi sử dụng các thuốc Tây y, người bệnh không nên lạm dụng quá nhiều vì nó có thể gây ra các tác dụng không mong muốn như đau dạ dày, loét dạ dày, các bệnh về gan và thận,...
6.2.2. Điều trị ngoại khoa
Chỉ định phẫu thuật cho các trường hợp do thoát vị đĩa đệm kèm cột sống hoặc đã được điều trị nội khoa tích cực trong vòng 3 tháng nhưng không đạt hiệu quả.
6.2.3. Điều trị hội chứng thắt lưng hông bằng Y học cổ truyền
Đây là phương pháp điều trị an toàn, tuy nhiên, nó đòi hỏi người bệnh cần kiên trì, chăm chỉ và thực hiện theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc. Cách chữa này không áp dụng với các trường hợp bị nhiễm trùng cột trùng.
6.2.4. Điều trị hội chứng thắt lưng hông tại nhà
Phương pháp này có tác dụng hỗ trợ điều trị nên trước khi thực hiện người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Một số cách thường được sử dụng như:
- Chườm nóng hoặc lạnh: Phương pháp này sử dụng nhiệt tác động lên các dây thần kinh giúp giảm triệu chứng đau tức thời.
- Sử dụng các loại thảo dược như lá mật gấu, lá đinh lăng,...
7. Phòng ngừa hội chứng thắt lưng hông
Theo các bác sĩ chuyên khoa, hội chứng thắt lưng hông hoàn toàn có thể phòng ngừa và phát hiện sớm để điều trị kịp thời, hạn chế các biến chứng nguy hiểm. Do đó, người bệnh cần phải lưu ý những điều sau đây:
- Tập luyện thể dục thể thao đều đặn, thường xuyên để cải thiện sự dẻo dai của các cơ thắt lưng. Tuy nhiên, người bệnh nên tránh vận động quá mạnh hoặc gây áp lực lên vùng thắt lưng.
- Khi bê, nâng vật nặng cần chú ý đúng tư thế chuẩn.
- nên nằm giường cứng thay vì nằm võng hay đệm có độ lún sâu.
- Hạn chế đi giày cao gót để giảm áp lực lên cột sống thắt lưng.
- Thiết lập chế độ ăn uống khoa học và đầy đủ chất dinh dưỡng bằng cách bổ sung các thực phẩm có chứa nhiều vitamin D, canxi... Ngoài ra, cần hạn chế sử dụng rượu bia và các chất kích thích.
- Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần.
Chắc hẳn, bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về hội chứng thắt lưng hông. Hy vọng những kiến thức này hữu ích đối với bạn.
Nếu bạn còn băn khoăn về tình trạng bệnh của mình, hãy liên hệ ngay với chúng tôi theo hotline dưới đây để được tư vấn miễn phí.
Nếu thấy bài viết hay và bổ ích, hãy nhấn like và chia sẻ bài viết cho mọi người xung quanh nhé. Chúng tôi cảm ơn bạn!