Viêm bao hoạt dịch thường xuất hiện với triệu chứng đau, sưng và nóng quanh khớp gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhiều người bệnh. Vậy viêm bao hoạt dịch là gì? Điều trị như thế nào hiệu quả? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
1. Viêm bao hoạt dịch là gì?
Bao hoạt dịch, đôi khi còn được gọi là màng hoạt dịch, là mô liên kết nằm bên trong bao khớp. Nang khớp là một cấu trúc giống như bong bóng bao quanh các khớp như vai, khuỷu tay, cổ tay, bàn tay, đầu gối, bàn chân và mắt cá chân.
Nó được cấu tạo bởi một lớp cứng bên ngoài gọi là lớp sợi và một lớp mềm bên trong (bao hoạt dịch). Chứa bên trong cả hai lớp là chất lỏng hoạt dịch, một chất lỏng nhớt có tác dụng bôi trơn ổ khớp để giảm ma sát lên sụn khớp trong quá trình vận động.
Viêm bao hoạt dịch (viêm màng hoạt dịch) là một cách nói trong y tế để chỉ tình trạng viêm trong bao hoạt dịch, màng bao bọc các khớp. Tình trạng này thường gây đau đớn, đặc biệt là khi khớp được cử động. Khớp thường sưng lên do tụ dịch khớp.
Viêm bao hoạt dịch có thể xảy ra cùng với bệnh viêm khớp cũng như bệnh lupus, bệnh gout và các bệnh khác. Viêm bao hoạt dịch thường được tìm thấy ở bệnh viêm khớp dạng thấp hơn so với các dạng viêm khớp khác, và do đó đây có thể là một yếu tố phân biệt trong các bệnh xương khớp.
Trong viêm khớp dạng thấp, các tế bào hoạt dịch giống nguyên bào sợi, các tế bào trung mô chuyên biệt hóa cao được tìm thấy trong màng hoạt dịch, đóng một vai trò tích cực và nổi bật trong viêm bao hoạt dịch.
Tình trạng bệnh có thể xuất hiện ở nhiều dạng, có thể mạn tính (thường xuyên xảy ra) và cấp tính (xuất hiện đột ngột):
- Viêm màng hoạt dịch khớp gối
- Viêm bao hoạt dịch khớp cổ tay
- Viêm bao hoạt dịch ngón chân
- Viêm bao hoạt dịch gân gót
- Viêm bao hoạt dịch khớp cổ chân
- ...
2. Triệu chứng viêm bao hoạt dịch
Triệu chứng chính của bệnh viêm bao hoạt dịch là đau khớp. Cơn đau thường tồn tại trong thời gian ngắn. Đôi khi cơn đau thường kèm theo cảm giác nóng, sưng và cứng, tồi tệ hơn vào buổi sáng.
Người bệnh có thể cảm thấy các triệu chứng viêm ở các khác nhau vào các thời điểm khác nhau, chẳng hạn:
- Viêm tại khuỷu tay khiến co tay và chân bị ảnh hưởng.
- Viêm tại mấu chuyển có thể làm hạn chế sự di chuyển.
- Viêm tại khớp cổ tay gây khó khăn khi cầm nắm.
Tuy nhiên, khớp sẽ đau nặng hơn so với biểu hiện bên ngoài hay nói cách khác, có thể không có sưng hoặc dấu hiệu chấn thương rõ ràng gây đau khớp khi bạn bị viêm bao hoạt dịch. Nó có thể gây túi hoạt dịch dày lên khi có sự gia tăng số lượng máu chảy trong khớp.
Khi nào bạn cần đi gặp bác sĩ?
Người bệnh nên đến thăm khác nếu xuất hiện các triệu chứng sau:
- Cơn đau kéo dài 1 - 2 tuần, không có dấu hiệu thuyên giảm và đau nhiều khi ấn vào hoặc di chuyển
- Tình trạng viêm lan nhanh quanh các khu vực lân cận
- Đau nhói đột ngột
- Xuất hiện triệu chứng sốt, thậm chí là sốt cao
3. Nguyên nhân gây viêm bao hoạt dịch và cách phòng ngừa
Người bệnh xuất hiện các triệu chứng kể trên có thể do nguyên nhân khách quan và chủ quan như sau:
3.1. Sử dụng khớp quá mức
Ở một người năng động, khỏe mạnh, nguyên nhân phổ biến nhất của viêm bao hoạt dịch là sử dụng khớp quá mức, ví dụ như ở các vận động viên hoặc những người có công việc liên quan đến chuyển động căng thẳng lặp đi lặp lại như nâng nhấc vật nặng hoặc ngồi xổm.
3.2. Nguyên nhân bệnh lý
Triệu chứng này cũng phổ biến ở những người bị một số dạng viêm khớp. Ở những bệnh nhân này, sự phát triển quá mức của màng hoạt dịch là một phần của phản ứng miễn dịch bất thường, trong đó cơ thể xác định nhầm sụn tự nhiên của chính mình là một chất lạ cần phải bị tấn công.
Sự mất sụn cuối cùng làm hỏng bề mặt khớp và dẫn đến cứng và đau đặc trưng của tất cả các loại viêm khớp như viêm khớp dạng thấp, bệnh gout,...
3.3. Chấn thương
Khi các bao hoạt dịch bị chấn thương có thể dẫn đến tổn thương và viêm nhiễm. Các tình trạng chấn thương gây viêm bao hoạt dịch và viêm nhiễm thường gặp như:
- Đau khuỷu tay: thường gặp ở những người chơi tennis hoặc chơi golf.
- Thường xuyên quỳ gối trên vật cứng.
- Các hoạt động giơ tay quá mức có thể gây viêm túi hoạt dịch ở vai.
- Ngồi trên bề mặt cứng trong thời gian dài như đi xe máy đường dài gây viêm túi hoạt dịch khớp háng.
3.4. Yếu tố nguy cơ
Bên cạnh những nguyên nhân trên, triệu chứng này có thể do:
- Tuổi tác: Tuổi càng cao thì khả năng mắc tình trạng viêm túi hoạt dịch càng lớn làm cho xương khớp bị lão hóa và mất đi độ chắc khỏe.
- Béo phì: Triệu chứng có thể xuất hiện sớm hơn ở những người bệnh gặp tình trạng béo phì, đặc biệt viêm màng hoạt dịch khớp chân.
Do đó để ngăn ngừa những nguyên nhân gây ra tình trạng này, người bệnh cần lưu ý những điều sau đây:
- Luyện tập thể dục thể thao đều đặn
- Nâng đồ vật đúng cách
- Có thời gian nghỉ ngơi giữa các hoạt động lặp đi lặp lại
- Kiểm soát và duy trì cân nặng hợp lý
- Sử dụng các đồ bảo hộ như miếng đệm quỳ, ngồi
- Khởi động kỹ trước khi chơi thể thao hoặc tập thể dục
4. Khám và chẩn đoán viêm bao hoạt dịch
Bên cạnh việc xem xét tiền sử bệnh và kiểm tra khớp xem có độ ấm, đau khi chạm vào, sưng hoặc dày lên của khớp có cảm giác "xốp", bác sĩ sẽ tiến hành các chẩn đoán cận lâm sàng với các xét nghiệm:
- Chụp X-quang để loại trừ các nguyên nhân gây đau như gãy xương, nứt xương,...
- Siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ MRI có thể xác định các viêm bao hoạt dịch ở khớp sâu.
- Xét nghiệm máu bao foomg tốc độ lắng hồng cầu và protein phản ứng C hoặc chọc dịch khớp để chẩn đoán nhiễm trùng và kiểm tra các tinh thể để chẩn đoán bệnh gout hoặc bệnh giả.
Ngoài ra, cần phân biệt viêm màng hoạt dịch và viêm bao gân (viêm gân). Việc sử dụng các khớp quá mức có thể dẫn đến viêm gân hoặc viêm màng hoạt dịch nhưng viêm gân chỉ là tình trạng viêm hoặc kích ứng dây chằng. Do đó, cần xác định chính xác để tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
5. Điều trị bệnh viêm bao hoạt dịch
Điều trị viêm bao hoạt dịch phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra nó. Thông thường điều trị triệu chứng này bằng các biện pháp bảo tồn, sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật.
Vật lý trị liệu có thể làm giảm cơn đau, tăng cường sức mạnh cho khớp và cơ bắp của bạn, đồng thời ngăn ngừa tình trạng mất chuyển động ở khớp. Các chuyên gia có thể chỉ định các phương pháp khác nhau như sóng ngắn, laser, nhiệt trị liệu,...
Thuốc có thể bao gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) không kê đơn, như ibuprofen, có thể giúp giảm đau và sưng màng hoạt dịch do viêm khớp hoặc khớp bị thương.
- Dùng thuốc điều chỉnh bệnh hoặc sinh học để kiểm soát tình trạng viêm khớp sẽ giúp giảm viêm và viêm màng hoạt dịch.
- Đối với bệnh gout, bác sĩ sẽ đề nghị dùng thuốc để giảm nồng độ axit uric.
- Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị tiêm steroid vào khớp.
- Nếu nguyên nhân do nhiễm trùng gây ra, người bệnh được chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh hoặc chọc hút dịch khớp để giảm đau.
Những bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị này có thể được chỉ định phẫu thuật chỉnh hình bằng phương pháp.
- Cắt bao hoạt dịch: Trong phẫu thuật này, phần bị viêm của màng hoạt dịch được loại bỏ. Điều này sẽ không cải thiện phạm vi chuyển động nhưng có thể làm giảm chảy máu thêm và phá hủy khớp.
- Cắt bao hoạt dịch nhân phóng xạ: Một chất phóng xạ được tiêm vào khớp. Bức xạ mức thấp làm tan chảy bao hoạt dịch bị viêm.
6. Bệnh viêm bao hoạt dịch có nguy hiểm không?
Mặc dù viêm bao hoạt dịch không ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng nhưng hậu quả mà nó mang lại khiến người bệnh trở nên khó chịu và ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt hàng ngày với các biến chứng như:
- Các chi khó co duỗi khi vận động
- Gây ra các bệnh lý cơ xương khớp khác như thoái hóa khớp
- Gây tê liệt và bại liệt
7. Hướng dẫn chăm sóc người bệnh viêm bao hoạt dịch
Để tránh gặp những biến chứng như trên, người bệnh nên thăm khám sớm để tìm phương pháp điều trị đúng cách. Ngoài ra, trong quá trình điều trị người bệnh cần lưu ý những điều dưới đây:
- Nghỉ ngơi điều độ để vùng khớp tăng tốc độ phục hồi
- Tránh tạo áp lực lên các khớp bằng cách như khi nằm nên đặt một chiếc gối giữa hai chân để giảm áp lực lên khớp gối
- Chườm đá để giảm sưng tại khớp
- Dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ
- Giảm các hoạt động lặp đi lặp lại hoặc tác động trực tiếp lên các khớp
- Xây dựng chế độ ăn bao gồm các thực phẩm tốt cho người bệnh xương khớp như các thực phẩm chứa vitamin D, canxi, omega-3,...
- Thường xuyên tái khám theo chỉ định của bác sĩ.
Trên đây là những thông tin về triệu chứng viêm bao khớp gối mà bạn có thể tham khảo. Tình trạng này thường gây nhầm lẫn với những tình trạng viêm khớp khác, do đó, khi xuất hiện các triệu chứng liên quan đến bệnh xương khớp, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để thăm khám sớm nhất. Hoặc bạn có thể liên hệ đến hotline dưới đây để được chuyên gia tư vấn trực tiếp về tình trạng bệnh.
Tin liên quan