Bệnh viêm dây thần kinh ngoại biên hiện nay ngày càng phổ biến, chủ yếu gặp ở độ tuổi trung niên và người già. Tuy nhiên, bạn đã thực sự hiểu về bệnh lý này. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để bảo vệ sức khỏe của bạn.
1. Viêm dây thần kinh ngoại biên là gì?
Hệ thần kinh ngoại biên bao gồm các dây thần kinh và hạch thần kinh bên ngoài não bộ và tủy sống.
Hệ thần kinh ngoại biên không được bảo vệ bởi xương sống và hộp hoặc hàng rào máu não nên nó dễ bị tổn thương do tác động từ bên ngoài, dẫn đến tình trạng viêm dây thần kinh ngoại biên gây cảm giác dị cảm như tê, kiến bò, đau, liệt chi,...
Viêm dây thần kinh ngoại biên có thể bị viêm một hoặc vài dây thần kinh ngoại biên. Nó thường được chia thành viêm đa dây thần kinh và viêm đa rễ dây thần kinh.
2. Nguyên nhân và nguy cơ mắc bệnh viêm dây thần kinh ngoại biên
Viêm dây thần kinh ngoại biên xuất hiện do một số nguyên nhân sau đây:
Do chấn thương hoặc dây thần kinh bị đè ép: Chấn thương làm hỏng dây thần kinh ngoại biên hoặc dây thần kinh bị chèn ép ở những người làm công việc có tính chất ở lâu trong một tư thế như đánh máy,...
Do thiếu hụt vitamin như Vitamin B1, B6, B12, PP,... có vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Đặc biệt vitamin E và niacin rất quan trọng đối với sức khỏe thần kinh.
Do nhiễm độc các kim loại nặng như Chì, Arsenic hoặc một số thuốc đặc biệt là thuốc điều trị ung thư (hóa trị).
Bệnh tiểu đường: Viêm dây thần kinh ngoại biên là biến chứng của bệnh tiểu đường. Ít nhất một nửa bệnh nhân tiểu đường gặp biến chứng về dây thần kinh.
Nhiễm trùng: Nhiễm trùng virus hoặc vi khuẩn gây ra các bệnh như Lyme, zona, viêm gan C, HIV/AIDS,...gây bệnh viêm dây thần kinh ngoại biên.
Ngoài ra, bệnh xuất hiện khi có các yếu tố nguy cơ như sử dụng nhiều bia rượu, thuốc lá và chất kích thích, rối loạn di truyền, béo phì, cao huyết áp ,...
3. Triệu chứng của bệnh viêm dây thần kinh ngoại biên
Tùy thuộc vào vị trí dây thần kinh bị viêm mà có các triệu chứng viêm dây thần kinh khác nhau nhưng hầu hết chúng đều có các triệu chứng sau:
Đau và tê bì chân tay: Đây là dấu hiệu sớm của tình trạng viêm dây thần kinh ngoại biên. Nó thường xuất hiện ở đầu ngón chân, ngón tay sau đó lan rộng ra cả bàn chân và bàn tay.
Vấn đề về cơ bắp: Tình trạng yếu cơ xuất hiện do các dây thần kinh không đủ để kích thích các tế bào. Biểu hiện rõ nhất khi bệnh nhân không cầm nắm được đồ vật.
Vấn đề về tiêu hóa: Thường xuyên có cảm giác no và ợ nóng hoặc nôn khi thức ăn chưa được tiêu hóa.
Vấn đề tim mạch: Dây thần kinh ngoại biên bị tổn thương gây cảm giác choáng váng hoặc ngất xỉu khi đứng lên. Bên cạnh đó, xuất hiện thêm các triệu chứng như đổ mồ hôi, mệt mỏi đột ngột, khó thở, buồn nôn và nôn.
- Vấn đề bàng quang: Không tự chủ được tiểu tiện hoặc có thể mất cảm giác mắc tiểu.
4. Biến chứng của bệnh viêm dây thần kinh ngoại biên
Viêm dây thần kinh ngoại biên ảnh hưởng nhiều đến các cơ quan, bộ phận của cơ thể. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, có thể gây ra biến chứng như sau:
Giảm cảm giác: Triệu chứng tê bì chân tay, yếu cơ khiến cơ thể có thể bị tê liệt, ít cảm nhận được sự thay đổi của nhiệt độ môi trường hoặc chấn thương.
Nhiễm trùng: Do cơ thể ít cảm nhận được sự tác động từ bên ngoài, tình trạng nhiễm trùng dễ xảy ra hơn, đặc biệt ở người bệnh tiểu đường, người có xu hướng lành vết thương chậm.
5. Chẩn đoán bệnh viêm dây thần kinh ngoại biên
Viêm dây thần kinh ngoại biên là bệnh lý khó chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh. Do đó, bên cạnh việc thăm khám lâm sàng, bác sĩ thường tiến hành các xét nghiệm, cụ thể như sau:
Xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng tuyến giáp, lượng đường trong máu, chức năng gan, chức năng thận,vitamin cấp.
Sinh thiết dây thần kinh: Một số trường hợp sinh thiết dây thần kinh không cho kết quả ngay được.
Chụp cộng hưởng từ (MRI) não và tủy sống
Khảo sát dẫn truyền thần kinh
Điện cơ ký (EMG)
Chọc dò tủy sống thắt lưng.
6. Điều trị viêm dây thần kinh ngoại biên
Nguyên tắc điều trị viêm dây thần kinh ngoại biên là xử lý căn nguyên gây bệnh, sửa chữa tổn thương và giảm nhẹ triệu chứng.
Hiện nay, có một số phương pháp điều trị viêm dây thần kinh ngoại biên như sau:
Điều trị nguyên nhân
Điều trị bệnh tiểu đường để ngăn chặn diễn biến phát triển của bệnh
Bổ sung đầy đủ các vitamin cho cơ thể: vitamin B1, B6, B12, E,...
Hạn chế sử dụng các thuốc gây độc và các chất độc hại
Điều trị rối loạn tự miễn
Điều trị bằng thuốc
Thuốc giảm đau: Acetaminophen và các NSAIDs thường ít tác dụng, các thuốc giảm đau gây nghiện cần tuân thủ theo chỉ thị của bác sĩ.
Thuốc chống trầm cảm, chống co giật như amitriptylin, carbamazepin,... tuy nhiên chỉ dùng liều lượng nhỏ sau đó tăng dần.
Miếng dán giảm đau.
Các loại thuốc khác gồm melatonin và các thuốc chống co cứng.
Khi dùng các loại thuốc trên, bệnh nhân phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý tăng giảm liều.
Sử dụng vật lý trị liệu
Châm cứu
Thôi miên
Kích thích điện dây thần kinh qua da
Các kỹ thuật thư giãn
Phẫu thuật
Biện pháp này được tiến hành khi dây thần kinh ngoại biên bị chèn ép, tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ lưỡng và được đánh giá của các bác sĩ chuyên môn.
Điều trị bằng Đông y
Viêm dây thần kinh ngoại biên là bệnh lý có liên quan đến Tỳ vì Tỳ chủ tứ chi. Nếu Tỳ không vận hóa được làm huyết khí bị trì trệ gây nên bệnh. Do vậy sử dụng các bài thuốc Đông y để khí huyết lưu thông, giảm triệu chứng bệnh.
Các bài thuốc Đông y thường sử dụng các thảo dược tự nhiên để điều trị viêm dây thần kinh ngoại biên như Đương quy, Xích thược, Tô mộc, Sinh địa, Uất kim, Ngưu tất, Xuyên khung,...
7. Phong cách sống và biện pháp khắc phục
Tập thể dục thể thao thường xuyên
Bỏ hút thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích.
Massage chân tay giúp lưu thông máu, giảm cảm giác đau
Thực hiện chế độ ăn uống khoa học: ăn nhiều thực phẩm lành mạnh như rau củ quả, ngũ cốc, thực phẩm giàu Vitamin B12.
Chăm sóc bàn chân cẩn thận, đặc biệt đối với người bệnh tiểu đường.
Tránh thức khuya, lao động nặng.
Trên đây là những thông tin về viêm dây thần kinh ngoại biên chỉ mang tính chất tham khảo, hy vọng có thể giúp ích cho bạn đọc. Khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh xuất hiện, bạn nên đến gặp bác sĩ để chẩn đoán và điều trị sớm nhất.