Trượt cột sống cổ không phải là bệnh lý phổ biến, nhưng lại gây nhiều phiền toái trong sinh hoạt cũng như để lại di chứng nặng nề. Những hiểu biết dưới đây sẽ giúp bạn bắt bệnh ngay từ dấu hiệu ban đầu.
1. Bệnh trượt cột sống cổ là bệnh lý gì?
Cột sống đóng vai trò vô cùng quan trọng với sự vận động của con người. Chúng bao gồm nhiều đốt xương nối liền nhau. Và 7 đốt sống liên tiếp đầu tiên hợp thành cột sống cổ.
Trượt cột sống cổ là tình trạng đốt sống cổ trên bị trượt ra đằng trước hoặc sau so với đốt sống cổ dưới. Khiến cho các đường cong cột sống trở nên bất thường, ống sống có thể bị hẹp.
Điều này gây nên các cơn đau ở cổ và khu vực liên quan khác.
>> Xem thêm Trượt cột sống thắt lưng
2. Nguyên nhân gây bệnh trượt cột sống cổ
Bệnh lý này có thể là kết quả của một số vấn đề về các khớp hoặc xương cột sống như:
2.1. Do thoái hóa đĩa đệm, sụn khớp
Cột sống cổ có cấu tạo rất đặc biệt. Chúng gồm các đốt xương, sụn khớp, đĩa đệm, các bó cơ, gân và dây chằng bao quanh… tạo thành một thể thống nhất, giúp cho vùng cổ hoạt động linh hoạt.
Theo tuổi tác, sụn khớp dần suy yếu, bào mòn, đĩa đệm bị mất nước không đủ chắc chắn để kết nối hai đầu sụn. Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài sẽ làm cho các đốt xương cột sống bị mất sự kết nối và trượt ra khỏi cột sống.
2.2. Do cột sống cổ bị quá tải
Nguyên nhân này thường gặp ở những vận động viên, người chơi thể thao, thể dục dụng cụ.
Khi họ tập những bài đòi hỏi phải căng cơ, kéo cột sống cổ quá mức. Trong một thời gian dài cũng dễ làm cho mỏm xương bị gãy, thoái hóa và đốt sống cổ dễ bị trượt ra ngoài.
2.3. Do gen
Do lỗi từ gen di truyền, một số trường hợp có cấu tạo cột sống cổ đặc biệt. Ngay từ khi sinh ra đã gặp phải một số vấn đề như đốt sống mỏng, nhỏ hơn… các đốt sống dễ bị trượt khỏi vị trí.
2.4. Do chấn thương
Các chấn thương khi tham gia giao thông, lao động khiến cột sống cổ bị va chạm mạnh. Các va chạm này tạo áp lực trực tiếp đẩy cột sống cổ về phía trước.
Hoặc các chấn thương này làm suy yếu các sụn khớp, đĩa đệm hay gân cơ. Khiến cho liên kết giữa các đốt sống cổ bị lỏng lẻo, làm cho chúng dễ bị trượt ra ngoài.
Một số nguyên khác ít gặp hơn như nhiễm trùng, khối u ở cột sống, phẫu thuật cột sống cũng có thể dẫn đến trượt cột sống cổ.
Tin liên quan
3. Triệu chứng của bệnh trượt cột sống cổ
Các triệu chứng người bệnh gặp có thể dao động từ nhẹ đến nặng. Với các triệu chứng phổ biến nhất là:
Đau ở cổ: Đây là triệu chứng phổ biến nhất khi bị trượt cột sống cổ. Đau ở cổ sau đó lan đến vai, đầu, cánh tay, bàn tay kèm cảm giác như bị căng cơ.
Cơn đau trầm trọng hơn khi bạn chuyển động cổ. Cơn đau có thể do thoái hóa đĩa đệm hoặc do dây thần kinh bị chèn ép.
Tê, yếu ở vai, cánh tay: Các đốt sống tại cổ trượt khỏi vị trí và khiến các rễ thần kinh bị chèn ép. Người bệnh có thể cảm thấy tê, yếu hoặc ngứa ran ở tay, bàn tay và ngón tay.
Cứng cổ.
Đau ở vùng bị ảnh hưởng.
Co cơ.
Trên đây chỉ là một số triệu chứng phổ biến của bệnh trượt cột sống cổ. Khi cảm thấy không thoải mái, bạn nên đi bác sĩ để chẩn đoán và điều trị bệnh ngay.
4. Bệnh trượt cột sống cổ có nguy hiểm không?
Trượt cột sống cổ gây nhiều khó chịu và suy giảm chất lượng cuộc sống.
Khi các đốt sống tại cổ trượt khỏi vị trí ban đầu sẽ chèn ép vào các dây thần kinh và tổ chức xung quanh gây đau và tê tay. Trong trường hợp nặng, người mắc không thể điều khiển được đôi tay của mình.
Và họ không thể làm gì, kể cả các việc đơn giản nhất như gõ bàn phím, mặc quần áo, hoặc nhấc đồ vật. Điều này gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.
Ngoài ra, các đốt sống bị trượt khỏi vị trí còn đè vào tủy cổ gây ra các cơn đau đầu và mất ngủ kinh niên. Trực tiếp khiến suy giảm chất lượng cuộc sống người bệnh.
Nguy hiểm nhất là khi các dây thần kinh bị chèn ép lâu ngày, người bệnh rơi vào tình trạng yếu liệt nửa người, suy hô hấp nguy cơ tử vong cao.
Các biến chứng kể trên có thể ngăn chặn được nếu chúng ta phát hiện ra bệnh sớm.
5. Chẩn đoán chính xác bệnh trượt cột sống cổ
Ngoài dựa vào các triệu chứng bệnh được liệt kê ở trên, các bác sĩ có thể “bắt bệnh” chính xác nhờ những phương pháp sử dụng hình ảnh như:
Chụp X-quang: Chụp ở các tư thế khác nhau như thẳng, nghiêng, cúi tối đa và ưỡn tối đa. Phương pháp này giúp chẩn đoán chính xác vị trí, mức độ trượt cột sống cổ.
Cắt lớp vi tính (CT Scan): Giúp xác định vị trí, mức độ trượt và các tổ thương của eo, mấu khớp, hẹp ống sống...
Cộng hưởng từ (MRI): Giúp đánh giá tổn thương về mô mềm và sự chèn ép thần kinh trong trượt đốt sống cổ. Trên film cộng hưởng từ, có thể phát hiện các nguyên nhân gây chèn ép thần kinh như đĩa đệm thoát vị, dây chằng dày, các tổ chức xơ sẹo, hẹp lỗ ghép...
6. Điều trị bệnh trượt cột sống cổ
Như các bệnh trượt cột sống khác, trượt cột sống cổ có hai hướng điều trị chính như sau:
6.1. Điều trị bảo tồn
Thuốc giảm đau không steroid (NSAIDs)
Đây là nhóm thuốc được kê nhiều nhất khi điều trị trượt cột sống cổ. Với tác dụng giảm đau, giảm viêm nhanh chóng giúp người bệnh giảm triệu chứng ngay lập tức.
Tuy vậy, NSAIDs gây nhiều tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, gan … nên cần sử dụng hợp lý dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Vật lý trị liệu
Các bài tập vật lý trị liệu giúp tăng cường cơ ở cổ. Việc tăng sức mạnh các cơ ở vùng cổ giúp hỗ trợ cho cột sống cổ, làm giảm áp lực trên xương sống.
Tập thể dục
Biện pháp này giúp giảm đau đồng thời giảm co thắt cơ bắp. Với các cơn đau do áp lực trên các dây thần kinh, những bài tập này giúp giảm tối thiểu các áp lực này.
6.2. Điều trị phẫu thuật
Khi cơn đau nghiêm trọng, các triệu chứng liên quan thần kinh xuất hiện, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật.
Phương pháp phẫu thuật giúp nắn chỉnh trượt, cố định cột sống bằng nẹp vít. Đây là phương pháp hữu hiệu nhất để điều trị trượt cột sống cổ.
Trên đây là những phương pháp tốt nhất để điều trị trượt cột sống cổ hiện nay. Tuy vậy, hiệu quả điều trị sẽ tuyệt vời hơn khi bệnh nhân biết sinh hoạt và ăn uống điều độ.
7. Những lưu ý để phòng tránh và cải thiện tình trạng bệnh
Để phòng tránh hay điều trị trượt cột sống cổ, người bệnh cần khắc phục các nguyên nhân dẫn đến bệnh lý này. Đồng thời điều chỉnh lại các hoạt động hay tư thế dẫn đến trượt cột sống cổ.
- Cần thực hiện các động tác nhẹ nhàng hoặc xoa bóp vùng cổ, vai gáy đối với những người có công việc ngồi nhiều, hay phải cúi hoặc ngẩng đầu nhiều, người lao động nặng nhọc,...
- Ngồi làm việc đúng tư thế. Điều chỉnh ghế để cho 2 cẳng tay song song với nền nhà, giữ tư thế lưng thẳng và 2 vai ngang bằng.
- Luyện tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng. Không vặn, bẻ cổ đột ngột khi thấy mỏi, vì điều này dễ gây tổn thương tới cột sống cổ.
- Chú ý bổ sung các thực phẩm giàu calci để giúp xương chắc khỏe, phòng tránh các bệnh về xương khớp.
Trên đây là những thông tin hữu ích về bệnh trượt cột sống cổ. Vì bệnh lý này bắt đầu với các triệu chứng rất bình thường như đau cổ, tê tay nên người mắc thường không để ý.
Tới khi phát hiện ra bệnh thì bệnh đã bước sang giai đoạn nặng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ suy hô hấp, liệt nửa người. Vì vậy, ngay khi có biểu hiện nghi ngờ, bạn hãy đến các cơ sở ý tế để tham khảo ý kiến của bác sĩ và có phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng bệnh.