Viêm khớp dạng thấp là một trong những bệnh lý có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của nhiều đối tượng, trong đó có độ tuổi thiếu niên. Vậy bạn có đang hiểu rõ về viêm khớp dạng thấp ở thiếu niên hay chưa? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết về vấn đề này thông qua bài viết dưới đây nhé.
1. Giới thiệu chung về tình trạng viêm khớp dạng thấp thiếu niên
Viêm khớp dạng thấp thiếu niên là một bệnh trong đó xuất hiện tình trạng viêm, sưng đau ở bên trong khớp và xảy ra ở trẻ em dưới 16 tuổi, sớm nhất là có những trẻ 6 tháng tuổi đã mắc phải căn bệnh này
Đây là một bệnh tự miễn, nghĩa là hoạt động hệ miễn dịch có sự bất thường tấn công tới khớp của cơ thể và gây ra viêm. Tình trạng này có thể ảnh hưởng tới khớp nhiều năm, các vị trí thường bị ảnh hưởng nặng nề có thể là đầu gối, mắt cá chân, cổ tay.
Trẻ gái thường có nguy cơ mắc phải căn bệnh này nhiều hơn bé trai và nhiều trẻ sẽ khỏi bệnh này khi chúng bước vào giai đoạn trưởng thành.
Viêm khớp dạng thấp ở thiếu niên
2. Triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở thiếu niên
Ở mỗi trẻ khác nhau thì triệu chứng cũng không hề giống nhau. Tuy nhiên, vẫn có một số triệu chứng chung của những trẻ mắc phải căn bệnh này, chẳng hạn như khớp trở nên sưng đau, cứng và nóng khi chạm vào.
Nếu trẻ đang tập đi thì khớp có thể trở nên rất cứng, đặc biệt là vào buổi sáng. Không chỉ có vậy, trẻ còn có thể đau lưng dưới và cản trở quá trình vận động ở trẻ. Các triệu chứng này có thể kéo dài trong một khoảng thời gian (một hoặc nhiều năm) và giảm dần khi trẻ lớn dần lên.
Bên cạnh đó, các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp thiếu niên còn phụ thuộc vào loại viêm khớp mà trẻ mắc phải, chẳng hạn như:
Viêm khớp dạng thấp ở số ít các khớp:
Loại bệnh này chỉ ảnh hưởng tới 4 khớp hoặc ít hơn, thường là đầu gối, chân, cổ tay hoặc hàm. Nguy hiểm hơn nữa, nếu không can thiệp kịp thời có thể gây nên viêm mống mắt, hỏng thị lực. Vấn đề này thường xảy ra ở những bé gái dưới 8 tuổi.
Những bé trai lớn hơn 8 tuổi bị mắc loại viêm khớp này thường có vấn đề về cột sống và hông và có thể chữa khỏi được khoảng 50%.
Viêm khớp dạng thấp ở bé trai
Viêm khớp dạng thấp ở nhiều khớp
Loại viêm khớp này có thể ảnh hưởng đến 5 khớp nhỏ trở lên, bao gồm các khớp ở ngón tay và bàn tay. Các triệu chứng thường xuất hiện ở cùng một khớp ở cả 2 bên của cơ thể.
Các triệu chứng đi kèm có thể bao gồm: sốt, mệt mỏi, kém ăn, phát ban ở phần cánh tay hoặc ở phía trên đùi. Một số trẻ mắc bệnh này có thể bị thiếu máu do thiếu sắt.
Viêm cột sống dính khớp
Bệnh này ảnh hưởng đến các khớp nằm giữa đáy cột sống và xương chậu. Triệu chứng thì gần giống viêm khớp ở người lớn như: sưng đau khớp, đi lại khó khăn…
Trong một số trường hợp nghiêm trọng, viêm khớp dạng thấp thiếu niên có thể ảnh hưởng tới sự tăng trưởng và phát triển của trẻ nhỏ, khiến cho trẻ không đạt được chiều cao tối ưu, trẻ hay bị ốm sốt…
Trẻ hay bị ốm sốt
3. Nguyên nhân gây ra tình trạng viêm khớp dạng thấp thiếu niên
Hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy viêm khớp dạng thấp thiếu niên là một dạng bệnh tự miễn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch bắt đầu tấn công vào các mô ở khớp.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy rằng một số yếu tố di truyền kết hợp với yếu tố về môi trường có thể thúc đẩy sự hình thành và phát triển căn bệnh viêm khớp dạng thấp ở thiếu niên.
Trẻ mắc bệnh này có thể là do cơ thể mang những gen di truyền có liên quan tới căn bệnh này, sau đó mắc phải một số tình trạng khác như như nhiễm trùng do vi rút hoặc vi khuẩn, hoặc gặp phải chấn thương và từ đó mắc phải viêm khớp dạng thấp.
Một phân tích năm 2016 cho thấy với những trẻ bị dị ứng có nhiều khả năng phát triển viêm khớp dạng thấp thiếu niên. Một số tình trạng dị ứng có thể kích hoạt các gen gây viêm khớp dạng thấp hoặc các gen thúc đẩy trẻ bị mắc căn bệnh này.
Tuy nhiên, sự khác biệt lớn nhất giữa viêm khớp ở tuổi thiếu niên và viêm khớp dạng thấp ở tuổi trưởng thành đó chính là viêm khớp ở tuổi thiếu niên đối khi có thể tự biến mất hoặc giảm dần mức độ bệnh khi trẻ lớn lên.
Theo các nhà nghiên cứu thì viêm khớp dạng thấp ở thiếu niên không phải là căn bệnh truyền nhiễm và hiện nay không có biện pháp phòng ngừa.
4. Điều trị viêm khớp dạng thấp thiếu niên
Điều trị viêm khớp dạng thấp thiếu niên thường tập trung chủ yếu vào việc giảm nhẹ các triệu chứng. Vì thế, chiến lược điều trị căn bệnh này có thể bao gồm:
- Thay đổi lối sống:
Trẻ em thời hiện đại thường được bố mẹ chăm sóc tốt về mặt dinh dưỡng khiến trẻ dễ bị thừa cân, béo phì. Hơn thế nữa, thói quen “dán mắt” vào màn hình máy tính, điện thoại cũng làm hạn chế sự vận động của trẻ nhỏ.
Thừa cân béo phì ở trẻ làm trậm trọng thêm viêm khớp dạng thấp
Chính những hiện tượng này đã làm trầm trọng thêm mức độ của căn bệnh viêm khớp dạng thấp ở thanh thiếu niên. Do vậy, để nâng cao chất lượng điều trị căn bệnh này thì chúng ta cần cho trẻ tập thể dục thường xuyên và duy trì cân nặng phù hợp.
Bên cạnh đó, một số trẻ cũng cần được áp dụng chế độ ăn kiêng đặc biệt hoặc tránh một số loại thực phẩm giàu chất béo và không tốt cho sức khỏe, chẳng hạn như: xúc xích, khoai tây chiên, thịt nướng, đồ uống có ga...
- Sử dụng thuốc giảm đau:
Một số trẻ trong độ tuổi thiếu niên có thể thường xuyên bị những cơn đau nhức ở khớp tay, khớp chân hành hạ và gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt. Ví dụ là có thể gây ra sự mệt mỏi cho trẻ, khiến trẻ ngủ không sâu giấc, chán ăn, lo lắng…
Lúc này, các bác sĩ có thể kê đơn cho trẻ để sử dụng một số loại thuốc giảm đau, chẳng hạn như các loại thuốc như thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể giúp giảm đau khớp và viêm. Nhưng bạn không nên tự ý sử dụng các loại thuốc này cho trẻ vì chúng có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại nếu sử dụng không đúng cách.
Bên cạnh đó, chúng cũng không phải là phương pháp điều trị duy nhất và không phải là thuốc điều trị triệt để cho căn bệnh này.
- Sử dụng thuốc Corticosteroid:
Những loại thuốc phải được sử dụng theo sự chỉ định của bác sĩ, có thể bao gồm triamcinolone hexacetonide (Aristospan) giúp làm giảm viêm và giảm đau.
Tuy nhiên, các bác sĩ thường rất thận trọng khi sử dụng loại thuốc này cho trẻ nhỏ do tác dụng phụ nghiêm trọng mà chúng có thể gây ra bao gồm ức chế tăng trưởng xương khớp, gây tăng cân, gây ra loãng xương và đục thủy tinh thể ở trẻ nhỏ.
Corticosteroid gây ức chế tăng trưởng xương khớp
- Một số loại thuốc sinh học:
Những loại thuốc đặc biệt này làm giảm phản ứng viêm cơ thể, giúp giảm đau. Các bác sĩ hiện nay thường kê đơn những thuốc này sớm hơn trong các giai đoạn bệnh và thường ghép chúng với một loại thuốc chống thấp khớp điều trị bệnh (DMARD).
- Vật lý trị liệu:
Vật lý trị liệu là một trong những biện pháp hỗ trợ điều trị hiệu quả. Đặc biệt là những liệu pháp này có thể làm giảm đau mãn tính, giúp trẻ học cách di chuyển hay vận động theo cách không làm tổn thương khớp và ngăn ngừa sự phát triển của căn bệnh viêm khớp dạng thấp.
Một số trẻ mắc căn bệnh này cũng có thể được cho phép thử áp dụng các biện pháp thay thế hoặc bổ sung, chẳng hạn như châm cứu. Để có kết quả tốt nhất, chỉ sử dụng các liệu pháp thay thế này khi có sự chấp thuận của bác sĩ và không bao giờ thay thế cho điều trị chính cho căn bệnh này.
Mong rằng qua những thông tin mà bài viết đã chia sẻ đã giúp bạn có góc nhìn tổng quát về căn bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên. Chúc con em trong gia đình bạn sẽ sớm vượt qua được căn bệnh này có nhiều niềm vui trong cuộc sống.