Hóa ra những nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp lại quen thuộc đến thế! Chúng là những “tên thủ phạm” tinh vi, giấu mặt, ngụy trang dưới những điều tưởng chừng như hiện diện hiển nhiên và tất yếu trong cuộc sống của của mỗi người. Cùng chúng tôi, lật mở từng nguyên nhân và cách phòng chống chúng nhé!
1. “Choáng” với nguyên nhân viêm khớp dạng thấp
Cho tới thời điểm hiện tại, các bác sĩ vẫn chưa thể xác định chính xác đâu là nguyên nhân gây ra bệnh lý viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên thì chúng ta đã biết được một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc căn bệnh này, chẳng hạn như sau:
1.1. Tuổi tác
“Bệnh tật không trừ một ai” và viêm khớp dạng thấp cũng vậy, bất kỳ một lứa tuổi nào cũng có thể mắc phải căn bệnh này.
Tuy nhiên, theo thống kê của các chuyên gia thì căn bệnh này xảy ra phổ biến ở những người có độ tuổi từ 40 đến 60.
Lý giải cho điều này thì các nhà khoa học cho rằng, độ tuổi này bắt đầu xuất hiện những quá trình lão hóa trong cơ thể, trong đó có hệ xương khớp và do đó nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn.
1.2. Tiền sử trong gia đình hoặc di truyền
Nếu một ai đó trong gia đình của bạn đã mắc phải căn bệnh này thì bạn và những thế hệ sau này trong gia đình cũng có nguy cơ cao bị viêm khớp dạng thấp.
Chắng hạn như viêm khớp dạng thấp ở trẻ vị thành niên hay thiếu niên có thể liên quan đến gen di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác gây ra.
1.3. Môi trường ô nhiễm
Thêm một yếu tố nguy cơ nữa làm tăng khả năng mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cũng rất đáng lo ngại đó chính là môi trường ô nhiễm.
Theo các chuyên gia về xương khớp thì nếu một người thường xuyên tiếp xúc với bầu không khí ô nhiễm hoặc các hóa chất độc hại từ môi trường xung quanh cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.
Ô nhiễm không khí có thể bắt nguồn từ khói thuốc lá, khói thải từ các khu công nghiệp, phương tiện tham gia giao thông…
Và tất cả những yếu tố này cũng đã góp phần gây ra các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp ở người.
1.4. Lối sống không lành mạnh
Có thể bạn sẽ cảm thấy rất phấn kích và thỏa mãn khi được thực hiện thường xuyên một số thói quen hoặc sở thích cá nhân.
Tuy nhiên, bạn hãy cân nhắc xem những hoạt động thường ngày của bạn liệu đã thực sự lành mạnh, khoa học và tốt cho sức khỏe chưa nhé?
Cũng theo các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chính những thói quen trong sinh hoạt không lành mạnh như: hút thuốc lá, uống rượu bia, thức khuya, ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ… có thể dẫn tới hàng loạt vấn đề về sức khỏe như: béo phì, rối loạn chuyển hóa…
Từ đó, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ bị suy giảm và cơ thể sẽ ngày càng sản sinh ra chất gây viêm ở hệ thống xương khớp, làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.
1.5. Suy giảm nội tiết tố
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng có một số lượng lớn những người phụ nữ có thể mắc bệnh viêm khớp dạng thấp và số lượng này thường nhiều hơn nam giới khoảng từ 2 – 3 lần.
Thêm một phát hiện nữa được các nhà nghiên cứu quan tâm đó chính là những phụ nữ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp thường rơi vào nhóm độ tuổi từ 30 đến 60 tuổi. Đây là nhóm độ tuổi có sự suy giảm nội tiết tố nữ, bước vào thời kỳ mãn kinh.
Điều này đã khiến các chuyên gia xem xét rằng nội tiết tố nữ cũng có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này.
Và kết quả nghiên cứu cho thấy rằng việc duy trì nồng độ của các loại hóc môn sinh dục như estrogen và progesterone có thể giúp làm giảm nguy cơ gây ra viêm khớp dạng thấp.
Không những vậy, nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh viêm khớp dạng thấp là những phụ nữ chưa từng mang thai và những người mới sinh con.
2. Làm thế nào để có thể phòng bệnh viêm khớp dạng thấp hiệu quả?
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”, ngay từ hôm nay bạn có thể phòng ngừa sớm căn bệnh này bằng những biện pháp đơn giản như dưới đây.
2.1. Từ bỏ hút thuốc lá
Một số bạn khi đọc đến đây có thể thốt lên rằng “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng bạn đừng chủ quan, nếu không nhanh bỏ thói quen tai hại này thì còn đường dẫn tới bệnh tật, trong đó có viêm khớp dạng thấp sẽ ngắn hơn rất nhiều.
Có rất nhiều mẹo giúp bạn có thể rời xa sự hấp dẫn của điếu thuốc lá, chẳng hạn như:
- Sử dụng các loại sản phẩm giúp hỗ trợ cai thuốc lá: kẹo cao su, miếng dán nicotin.
- Khi lên cơn thèm thuốc lá, hãy hướng sự tập trung của trí não sang các hoạt động khác như: đi bộ, nấu ăn, làm việc nhà, nghe nhạc…
- Tránh xa những lời mời mọc hút thuốc lá từ phía những người thân, bạn bè, đồng nghiệp…
- Khi gặp phải những sự kiện không vui, buồn bã trong cuộc sống nên tìm sự chia sẻ từ những người xung quanh thay vì việc sử dụng thuốc lá.
2.2. Bảo vệ cơ thể khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm, hóa chất độc hại
Nếu bạn đang sinh sống và làm việc ở những khu công nghiệp, khu đô thị nhiều khói bụi ô tô, xe máy thì bạn có thể trang bị cho mình một số kiến thức giúp làm giảm sự tác động của các yếu tố này tới sức khỏe như:
- Đeo khẩu trang mỗi khi ra đường hoặc khi đang làm việc tiếp xúc với khói bụi, hóa chất độc hại.
- Khi về nhà thì bạn nên súc miệng và vệ sinh vùng mũi bằng nước muối sinh lý.
- Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ không gian sống cũng như nơi làm việc của bạn.
- Đeo găng tay, đồ bảo hộ khi bạn tiếp xúc với những hóa chất độc hại.
2.3. Xây dựng lối sống lành mạnh, khoa học
Bạn biết không, một lối sống lành mạnh và khoa học không chỉ có những tác động tích cực tới sức khỏe của bạn mà còn đem lại nhiều lợi ích tới những người xung quanh.
Còn điều gì tuyệt vời hơn khi bạn khỏe mạnh và được làm những công việc mình yêu thích và góp phần tạo nên sức mạnh tích cực lan tỏa tới những người thân, gia đình và cả xã hội nữa đấy.
Đối với việc phòng ngừa nhiều loại bệnh tật, trong đó có viêm khớp dạng thấp cũng vậy thì lối sống lành mạnh, khoa học có thể là “dọn dẹp” những yếu tố nguy cơ nguy hiểm gây ra căn bệnh này.
Để có thể duy trì lối sống lành mạnh, khoa học thì bạn có thể ghi nhớ những quy tắc “vàng” như sau:
- Nên đi ngủ sớm và tập thói quen thức dậy đúng giờ.
- Sử dụng những thực phẩm lành manh, ăn nhiều rau xanh và trái cây, hạn chế ăn các món ăn chiên rán nhiều dầu mỡ.
- Thường xuyên tập thể dục, vận động phù hợp với sức khỏe của bản thân.
- Duy trì cân nặng ở mức phù hợp, hạn chế tăng cân và béo phì.
- Không nên làm việc quá sức, cần kết hợp nghỉ ngơi thư giãn với khoảng thời gian hợp lý.
Mong rằng qua những thông tin mà bài viết đã chia sẻ đã giúp bạn ghi nhớ những nguyên nhân viêm khớp dạng thấp và bỏ túi thêm cho mình cách phòng ngừa căn bệnh này hiệu quả. Chúc bạn sẽ luôn có một sức khỏe dồi dào và tinh thần lạc quan trong cuộc sống.