Là bệnh lý có triệu chứng trải dài trên nhiều hệ cơ quan, viêm đa dây thần kinh luôn là bệnh lý khó nhằn trong giới y học. Cùng Khỏe Xương Khớp “bắt bệnh” viêm đa dây thần kinh từ những dấu hiệu đầu tiên nhé.
1. Bệnh viêm đa dây thần kinh là bệnh gì?
Hệ thần kinh của con người bao gồm hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh ngoại biên. Chúng điều khiển mọi hoạt động của cơ thể qua các tín hiệu xung thần kinh.
Dây thần kinh giúp truyền các xung thần kinh từ cơ quan trung ương tới các cơ quan ngoại vi và ngược lại. Và dây thần kinh được chia theo nhóm chức năng như sau:
Dây thần kinh cảm giác: Dẫn truyền tín hiệu cảm giác như nhiệt độ nóng lạnh, đau...
Dây thần kinh vận động: Dẫn truyền tín hiệu vận động của cơ bắp.
Dây thần kinh tự động: Kiểm soát các hoạt động của hệ tim mạch như huyết áp, nhịp tim; hệ tiêu hóa; bàng quang và nằm ngoài ý muốn của con người.
Khi dây thần kinh bị tổn thương, quá trình truyền tín hiệu thần kinh sẽ bị gián đoạn và gây bệnh.
Viêm đa dây thần kinh là một trong những tình trạng viêm dây thần kinh. Nó gây tổn thương đồng thời trên nhiều dây thần kinh khác nhau và là một trong những bệnh lý thần kinh phổ biến nhất hiện nay.
2. Nguyên nhân gây ra bệnh viêm đa dây thần kinh
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới bệnh viêm đa dây thần kinh và được phân chia như sau:
Biến chứng đái tháo đường
Đây là một nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh viêm đa dây thần kinh. Có hơn một nửa người bệnh đái tháo đường có biến chứng này.
Bệnh tự miễn
Bệnh tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch bị hỏng và tự tấn công tế bào lành của cơ thể. Với độ bao phủ rộng, dây thần kinh rất dễ bị các tế bào miễn dịch tấn công dẫn tới tổn thương.
Các bệnh miễn dịch hay gây ra viêm đa dây thần kinh là: Hội chứng Sjogren, Lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, hội chứng Guillain-Barre.
Nhiễm trùng
Khi một cơ quan bị viêm thì rất dễ lan sang các dây thần kinh ở gần đó. Tác nhân gây viêm thường gặp là virus hoặc vi khuẩn, bao gồm bệnh Lyme, bệnh Zona, viêm gan B và viêm gan C, bệnh phong, bạch hầu và HIV.
Chấn thương
Các va đập mạnh có thể làm cắt đứt hoặc làm tổn thương dây thần kinh. Chấn thương thường gặp là tai nạn xe cộ, té ngã hoặc luyện tập thể thao.
Tiếp xúc với chất độc
Đặc biệt là các kim loại nặng như chì, thủy ngân và các hóa chất công nghiệp. Ngoài ra, rượu và các thuốc điều trị ung thư cũng được coi là chất độc gây tổn thương dây thần kinh.
Thiếu vitamin
Các vitamin tham gia cấu trúc nên dây thần kinh nên khi thiếu vitamin sẽ gây viêm tại nhiều dây thần kinh khác nhau. Đặc biệt là các vitamin nhóm B.
U bướu
Các khối tăng sinh bất thường có thể hình thành và phát triển trên các dây thần kinh. Ngoài ra, các khối u tại cơ quan có thể chèn ép và gây tổn thương lên dây thần kinh gần đó, dẫn tới bệnh viêm đa dây thần kinh.
Ngoài ra, còn rất nhiều nguyên nhân khác cũng dẫn tới viêm đa dây thần kinh như nghiện rượu, tác dụng phụ của thuốc, suy giáp, tăng ure huyết…
Và có tới 30-40% số người mắc bệnh không tìm thấy nguyên nhân gọi là bệnh thần kinh vô căn.
>> Bạn có thể quan tâm: Viêm dây thần kinh liên sườn: Triệu chứng và Điều trị
3. Triệu chứng của bệnh viêm đa dây thần kinh
Tùy thuộc vào dây thần kinh bị tổn thương mà có những triệu chứng bệnh khác nhau.
Tổn thương dây thần kinh cảm giác
Triệu chứng đặc trưng khi dây thần kinh cảm giác bị tổn thương là cảm giác đau và tê. Cảm giác tê bì hoặc đau rát thường ở tay và chân.
Ngoài ra, tổn thương dây thần kinh cảm giác còn dẫn tới việc mất cảm giác nóng lạnh khi tiếp xúc với đồ vật hoặc môi trường, không cảm nhận được đau khi dẫm lên vật sắc nhọn và không kiểm soát được thăng bằng của bàn chân.
Tổn thương dây thần kinh vận động (các hoạt động về cơ bắp)
Các tổn thương ở dây thần kinh này khiến cho việc điều khiển cơ bắp gặp khó khăn và gây ra yếu cơ. Khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc cầm nắm, đi lại.
Khi tình trạng bệnh trầm trọng thì các cơ của người bệnh sẽ co giật hoặc co cứng, rất dễ bị teo cơ.
Tổn thương dây thần kinh tự động (hệ thần kinh thực vật)
Các dây thần kinh tự động điều hòa các chức năng như huyết áp, nhịp tim, tiêu hóa hay tiểu tiện. Khi dây thần kinh này bị tổn thương các hoạt động của các hệ cơ quan nội tạng sẽ rối loạn.
- Hệ tiêu hóa: Người mắc có thể cảm thấy no và ợ nóng dù mới chỉ ăn một ít thức ăn.
- Hệ tình dục: Phái nam có thể bị rối loạn cương dương; phái nữ có thể gặp khô âm đạo hoặc khó đạt cực khoái.
- Bàng quang: Rò rỉ nước tiểu hoặc mất cảm giác buồn đi tiểu.
Người mắc viêm đa dây thần kinh có thể bị tổn thương nhiều dây thần kinh thuộc các hệ khác nhau. Vì vậy, người bệnh nên gặp bác sĩ để chẩn đoán chính xác vùng tổn thương.
4. Biến chứng hay gặp khi mắc viêm đa dây thần kinh
Biến chứng của bệnh lý viêm đa dây thần kinh ngoại biên có thể bao gồm:
Bỏng và chấn thương da: Do dây thần kinh cảm giác bị tổn thương nên người bệnh không cảm nhận được sự thay đổi nhiệt độ hoặc đau đớn trên da, vô tình dẫn đến tổn thương.
Nhiễm trùng: Do người bệnh mất cảm giác vùng cơ thể bị tổn thương nên không phát hiện ra vùng nhiễm trùng. Chính vì thế, cần quan sát các tổn thương trên da, đặc biệt lưu ý với người bệnh tiểu đường.
Té ngã: Sự phối hợp giữa các chi, khả năng định vị, điều khiển thăng bằng đều bị tụt giảm nghiêm trọng khi các dây thần kinh tổn thương nên người bệnh dễ bị té ngã.
Điều này đặc biệt nguy hiểm với bệnh nhân có tuổi, hoặc khi bệnh nhân di chuyển ở nơi đông xe cộ. Đồng thời, bệnh nhân té ngã nhiều lần cũng làm tăng nguy cơ tổn thương thần kinh và làm bệnh thêm nặng.
5. Chẩn đoán bệnh viêm đa dây thần kinh
Bệnh viêm đa dây thần kinh do nhiều nguyên nhân gây ra vì vậy bác sĩ cần kết hợp nhiều phương pháp chẩn đoán:
Lâm sàng
Ngoài khai thác triệu chứng của bệnh nhân, bác sĩ cần hỏi thêm người bệnh về lối sống, tiền sử tiếp xúc với chất độc hại, thói quen sử dụng bia rượu… Và tiến hành đánh giá chức năng hệ vận động, cảm giác hay hệ thần kinh thực vật.
Cận lâm sàng
Xét nghiệm máu: Kiểm tra lượng vitamin, đường huyết, tuyến giáp, chức năng gan, thận và các bất thường hệ miễn dịch.
Hình ảnh: Các hình ảnh thu được bằng phương pháp chụp CT hoặc MRI sẽ giúp phát hiện các bệnh lý bất thường gây chèn ép dây thần kinh.
Điện cơ: Ghi lại hoạt động dẫn truyền tín hiệu trong thần kinh - cơ.
Sinh thiết dây thần kinh, sinh thiết da: Xem có bất thường qua mẫu nhỏ sợi thần kinh hoặc da.
6. Phương pháp điều trị viêm đa dây thần kinh chuẩn nhất
Mục tiêu điều trị là kiểm soát các bệnh lý gây ra viêm đa dây thần kinh cũng như thuyên giảm các triệu chứng.
Dùng thuốc
Các loại thuốc được sử dụng chủ yếu để làm giảm các triệu chứng bệnh bao gồm:
Thuốc giảm đau
Với trường hợp bệnh nhẹ, thuốc giảm chống viêm không steroid (NSAIDs) có hiệu quả khá tốt. Các thuốc NSAIDs gây tác dụng phụ với hệ tiêu hóa, gan, thận nên cẩn trọng trong quá trình dùng.
Với các triệu chứng nặng, bác sĩ sử dụng thuốc giảm đau có chứa opioid như tramadol hoặc oxycodone. Tuy nhiên, các loại thuốc này có nguy cơ phụ thuộc và gây nghiện nên được quản lý khá chặt.
Thuốc chống động kinh
Các loại thuốc chống động kinh như gabapentin và pregabalin vẫn có thể làm giảm đau thần kinh. Tác dụng phụ hay gặp là buồn ngủ và chóng mặt.
Thuốc chống trầm cảm
Các thuốc chống trầm cảm giảm đau trong viêm đa dây thần kinh bằng cách ức chế các quá trình hóa học trong não và tủy sống gây ra tín hiệu đau.
Một số thuốc chống trầm cảm hay dùng là amitriptyline, doxepin, duloxetine. Tác dụng phụ hay gặp là khô miệng, buồn nôn, buồn ngủ, chóng mặt, giảm cảm giác ngon miệng và táo bón.
Vật lý trị liệu
Có thể kết hợp cả phương pháp dùng thuốc và vật lý trị liệu. Liệu pháp hay dùng là kích thích thần kinh qua da thông qua các điện cực được đặt trên da.
Điện cực này sẽ cung cấp một dòng điện cường độ nhẹ ở các tần số khác nhau. Để đạt hiệu quả cao nên áp dụng phương pháp này ít nhất 30 phút mỗi ngày trong khoảng một tháng.
Ức chế miễn dịch
Thay huyết tương và hay dùng globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch giúp ức chế hoạt động của hệ thống miễn dịch, trung hòa các tự kháng thể. Phương pháp này thường dùng trong các trường hợp viêm đa dây thần kinh do bệnh lý tự miễn.
Phẫu thuật
Đối với các trường hợp viêm đa dây thần kinh do chèn ép như bệnh lý về u, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa xương khớp..., cần cân nhắc phẫu thuật sớm để giải phóng sợi thần kinh khỏi áp lực, giúp hạn chế tổn thương vĩnh viễn.
Trên đây là những phương pháp điều trị thường được áp dụng với bệnh viêm đa dây thần kinh. Nhưng cách điều trị bệnh tốt nhất là phòng bệnh ngay khi bệnh còn chưa bắt đầu.
7. Phòng ngừa viêm đa dây thần kinh hiệu quả
Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh viêm đa dây thần kinh là kiểm soát tốt các bệnh lý khiến bạn có nguy cơ cao mắc bệnh. Đặc biệt là bệnh đái tháo đường.
Đồng thời, cần xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh như:
Chế độ ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc và đa dạng các loại sinh tố.
Tập thể dục thường xuyên, rèn luyện sự dẻo dai cho xương khớp.
Tránh các yếu tố độc hại có thể gây tổn thương thần kinh như hóa chất độc hại, thuốc là và rượu.
Trên đây là những thông tin chi tiết nhất về bệnh lý viêm đa dây thần kinh. Cảm ơn Quý bạn đọc đã theo dõi.
Cần tư vấn thêm về bệnh lý xương khớp, bạn đọc có thể liên hệ trực tiếp tới Hotline 0961 666 383 để chúng tôi giúp bạn.