Viêm khớp háng vốn hay gặp ở người già và phụ nữ có thai. Tuy vậy, ngày nay bệnh đang có xu hướng trẻ hóa. Những thông tin hữu ích dưới đây sẽ giúp bạn đọc có kiến thức cần thiết để phát hiện sớm bệnh và có phương pháp điều trị hiệu quả.
Bệnh viêm khớp háng là bệnh gì?
Khớp háng là khớp nối giữa xương chậu và xương đùi. Khi khớp này bị tổn thương, sưng, viêm sẽ gây ra bệnh viêm khớp háng.
Khi bị bệnh này, các đầu xương sẽ cọ xát vào nhau khiến người bệnh đau đớn. Cơn đau tăng mạnh khi vận động, đi lại, lao động.
Ai hay mắc viêm khớp háng?
Người dễ mắc viêm khớp háng nhất là người lớn tuổi. Do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể.
Ngoài ra, phụ nữ mang thai hoặc sau sinh cũng rất dễ mắc bệnh. Do vùng xương chậu và khớp háng phải chịu nhiều áp lực khi mang thai và sinh con.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm đau khớp ở háng. Nắm rõ được thủ phạm gây ra bệnh sẽ giúp chúng ta phòng bệnh hiệu quả.
Nguyên nhân dẫn tới viêm đau khớp háng
Dưới đây là 4 nguyên nhân hay gặp:
Do thoái hóa: Khi chúng ta già đi, hệ thống xương khớp nói chung và khớp háng nói riêng có xu hướng suy yếu dần. Khiến lớp sụn bị mất dần, làm các đầu xương cọ sát vào nhau gây viêm đau.
Chấn thương: Va đập mạnh có thể khiến nứt mô sụn, giãn dây chằng và bầm tím các mô mềm bao xung quanh.
Nhiễm trùng: Nhiễm trùng làm khớp háng bị viêm sưng, đau nhức và giảm khả năng vận động. Tác nhân phổ biến gây viêm nhiễm khớp háng là lậu cầu (chiếm đến 70 – 75%), tụ cầu vàng, phế cầu,… Viêm khớp háng do nhiễm khuẩn thường xảy ra sau chấn thương, phẫu thuật hoặc khởi phát sau nhiễm trùng da, mô mềm.
Rối loạn tự miễn: Tình trạng này xảy ra khi hệ miễn dịch tự tạo ra kháng thể tấn công vào các mô sụn, dây chằng và mô mềm bao xung quanh khiến khớp bị sưng viêm, đau nhức. Viêm khớp háng tự miễn có thể do bệnh viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến hoặc lupus ban đỏ...
Ngoài những nguyên nhân trên, viêm khớp háng cũng có thể xảy ra khi gặp một số yếu tố thuận lợi như:
Tính chất công việc thường xuyên phải mang vác nặng, ngồi nhiều, đứng quá lâu hoặc phải lao động liên tục trong một thời gian dài.
Béo phì - thừa cân có thể làm tăng áp lực lên khớp háng, khiến khớp dễ bị đau nhức và tổn thương khi gặp tác động xấu.
Di truyền: Theo thống kê, đa phần các trường hợp mắc các bệnh lý này đều có tiền sử gia đình bị các dạng viêm khớp mãn tính do thoái hóa hoặc rối loạn tự miễn.
Các nguy cơ khác như mang thai, phụ nữ sau sinh, tiền mãn kinh, mãn kinh…
Vậy khi người mắc viêm khớp háng sẽ có triệu chứng như thế nào? Cùng tham khảo các triệu chứng dưới đây để “bắt bệnh” bạn nhé!
Triệu chứng viêm khớp háng
Triệu chứng viêm đau khớp háng sẽ tiến triển tăng dần từ nhẹ đến nặng qua các giai đoạn sau:
- Giai đoạn đầu: Cơn đau khớp háng chỉ xuất hiện thoáng qua tại vùng trên sau mông, đau khi leo cầu thang, đi lại, vận động nhiều hoặc khi gập háng.
- Giai đoạn sau: Cơn đau lan xuống đùi, đầu gối, kéo dài và dai dẳng. Đau ngay cả khi ngồi, nằm và cả khi ngủ. Cảm giác khó khăn khi cắt móng chân, mặc quần áo, đi lại, ngồi xuống khó đứng lên, khó bước lên.
- Giai đoạn nặng: Người bệnh cảm thấy khớp háng cứng, chặt, không thể duỗi thẳng chân, khó khăn khi bước đi, đau dữ dội kéo dài. Ở giai đoạn nặng viêm đau khớp có thể gây tàn phế.
Biến chứng nguy hiểm khi viêm khớp háng kéo dài
Khớp háng khi bị viêm sẽ gây ra những cơn đau khớp kéo dài. Từ nhức mỏi đến đau dữ dội ảnh hưởng lớn đến hoạt động sinh hoạt và công việc của người mắc.
Ở giai đoạn nặng các cơn đau xuất hiện nhiều hơn. Đau về đêm gây mất ngủ, suy nhược, thậm chí mất chức năng vận động.
Biến chứng nặng nhất là tàn phế, mất khả năng lao động. Ngoài ra, bệnh cũng gây teo cơ mông, đùi, biến dạng khớp.
Quả là đáng sợ! Đối với nhiều bệnh nhân việc nằm một chỗ không thể di chuyển ảnh hưởng rất lớn tới tinh thần, ngoài ra còn ảnh hưởng tới chức năng các cơ quan khác.
Đồng thời tăng gánh nặng kinh tế trong gia đình. Việc chẩn đoán sớm bệnh sẽ giúp đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp.
Chẩn đoán viêm khớp háng
Để chẩn đoán bệnh nhân mắc viêm khớp háng hay không, bác sĩ có thể áp dụng một hay nhiều phương pháp:
Khám lâm sàng
Qua các triệu chứng người bệnh mô tả. Kết hợp với kiểm tra bên ngoài khớp xem các dấu hiệu sưng, đau; đánh giá sức mạnh của cơ bắp cũng như phạm vi chuyển động của khớp háng.
Khám cận lâm sàng
4 kĩ thuật hay dùng để chẩn đoán viêm khớp háng là:
Chụp X-quang: Hình ảnh trên phim chụp X-quang sẽ chỉ rõ những tổn thương viêm trong ổ khớp và lớp sụn.
Chụp CT: Kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính sử dụng máy quét tia X cho ra những hình ảnh cắt ngang của cấu trúc xương ở khớp háng và mô xung quanh. Qua đó bác sĩ có thể đánh giá được mức độ nghiêm trọng của viêm khớp háng.
Chụp MRI: Chụp cộng hưởng từ giúp cung cấp những hình ảnh chi tiết về gân, sụn và hệ thống dây chằng quanh khớp gối giúp bác sĩ xác định chính xác vị trí tổn thương, mức độ viêm trong khớp háng.
Xét nghiệm máu: Số lượng bạch cầu trong máu tăng cao chứng tỏ bạn bị viêm khớp háng do nhiễm khuẩn.
Điều trị viêm khớp háng
Phác đồ chữa viêm khớp háng sẽ được xây dựng dựa trên mức độ viêm tại khớp.
Điều trị viêm khớp háng bằng nội khoa
Điều trị nội khoa bao gồm nhiều phương pháp khác nhau như dùng thuốc, vật lý trị liệu, vận động…
Sử dụng thuốc với mục đích giảm nhẹ triệu chứng và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh:
Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Thuốc vừa có tác dụng giảm đau, vừa giúp giảm viêm. Hai thuốc NSAID được chỉ định phổ biến nhất là Naproxen hoặc Ibuprofen.
- Thuốc uống điều trị viêm khớp hángCorticoid: Đây là thuốc có tác dụng chống viêm mạnh. Do có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, Corticoid chỉ được sử dụng cho những bệnh nhân bị viêm khớp háng nặng trong một đợt điều trị ngắn hạn.
Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs): Giúp chậm quá trình tiến triển của bệnh. Các loại thuốc DMARDs thường được bác sĩ kê đơn là Methotrexate và Sulfasalazine.
Thuốc kháng sinh: Viêm khớp háng do nhiễm khuẩn sẽ được điều trị bằng phác đồ kháng sinh kết hợp với các thuốc điều trị khác.
Các loại thuốc tây chữa viêm khớp háng có thể gây ra tác dụng phụ nếu sử dụng bừa bãi. Người bệnh cần tuân thủ dùng thuốc theo đơn và tái khám đều đặn theo chỉ định của bác sĩ.
Chữa bệnh viêm khớp háng bằng vật lý trị liệu :
Phương pháp vật lý trị liệu có thể được chỉ định phối hợp với thuốc để đẩy nhanh hiệu quả điều trị, giúp làm tăng phạm vi chuyển động của khớp háng.
Các kỹ thuật vật lý trị liệu thường được sử dụng đối với bệnh nhân viêm khớp háng là:
Cấy chỉ
Châm cứu
Chiếu tia hồng ngoại
Điện trị liệu
Massage trị liệu
Kích thích dây thần kinh qua da
Siêu âm trị liệu
Tiêm tế bào gốc
Xoa bóp bấm huyệt
Trên đây là các phương pháp điều trị nội khoa thường dùng khi bệnh nhân ở giai đoạn nhẹ. Với các giai đoạn sau cần sử dụng phương pháp sau đây.
Phẫu thuật điều trị viêm tại khớp háng
Khi viêm khớp háng gây đau nghiêm trọng và không đáp ứng được với các phương pháp điều trị nội khoa, bác sĩ có thể đề nghị cho bạn làm phẫu thuật.
Loại phẫu thuật được lựa chọn sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như tuổi tác, tiến triển của bệnh, các bệnh lý liên quan.
Thay khớp háng toàn phần và phẫu thuật nội soi cắt bỏ khớp là 2 loại phẫu thuật được áp dụng phổ biến nhất trong điều trị viêm khớp háng hiện nay.
Tuy vậy, đây là phương pháp tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao. Cần chú ý theo dõi sát sao và tuân thủ nghiêm ngặt chỉ dẫn của bác sĩ để giảm thiểu biến chứng xuống mức thấp nhất.
Ngoài điều trị theo đúng chỉ dẫn của chuyên gia y tế, việc thay đổi lối sống sinh hoạt cũng giúp bệnh thuyên giảm.
Chế độ chăm sóc - phòng ngừa bệnh viêm khớp háng
Người bệnh cần chú ý các điều sau:
Cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi.
Tránh các hoạt động làm tăng áp lực lên khớp háng như bê vác nặng, ngồi nhiều, đứng quá lâu...
Duy trì cân nặng vừa phải, chỉ số khối cơ thể (chỉ số BMI) dưới 24.9.
Ăn nhiều rau xanh, trái cây, cá, các loại hạt, đậu, ngũ cốc,… Không dùng nước ngọt có gas, thức ăn nhiều dầu mỡ, gia vị, rượu bia và cà phê.
Luyện tập các môn thể thao có cường độ nhẹ như bơi lội và yoga.
Tránh tập các bộ môn gây tăng áp lực lên khớp háng như nâng tạ, chạy bộ,…
Giữ tinh thần thoải mái, tránh lo âu quá mức.
Viêm khớp háng với những triệu chứng nặng nề, tuy nhiên nếu được phát hiện và điều trị sớm thì căn bệnh này không phải nỗi lo lớn. Hy vọng bài viết đã mang đến những thông tin hữu ích giúp bạn sớm phát hiện ra bệnh từ khi mới chớm, chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.