Đôi khi bạn bị đau khớp tay bao gồm ngón tay, cổ tay, khuỷu tay khi ấn vào và nếu áp lực làm tăng cảm giác khó chịu hơn thì cơn đau có thể là triệu chứng của tình trạng bệnh nào đó. Để xác định rõ hơn về triệu chứng này, cùng theo dõi bài viết dưới đây.
1. Đau khớp tay là gì?
Đau khớp tay là triệu chứng xảy ra ở nhiều người với cảm giác đau nhức, khó chịu ở bàn tay, cổ tay và khuỷu tay. Nó do nhiều nguyên nhân gây ra, đôi khi dẫn đến tình trạng đau tạm thời hoặc triệu chứng đau kéo dài thì nó có thể là dấu hiệu cảnh báo một bệnh lý nào đó.
2. Thực trạng về triệu chứng đau khớp tay
Đau khớp tay xảy ra ở nhiều người, đặc biệt người cao tuổi. Phụ nữ thường bị ảnh hưởng nhiều hơn nam giới và ở độ tuổi sớm hơn. Các xét nghiệm cho thấy tổn thương khớp hay gặp khoảng 60% người lớn trên 60 tuổi và 80% đến 90% bệnh nhân trên 75 tuổi.
Tuy nhiên, hiện nay triệu chứng này có thể tấn công mọi người ở mọi lứa tuổi nhưng nó thường bắt đầu từ 20 đến 40 tuổi, đặc biệt người sử dụng các khớp tay thường xuyên.
3. Triệu chứng kèm theo đau khớp tay
Đau khớp tay bao gồm đau khớp ngón tay, đau khớp cổ tay, đau khớp khuỷu tay và chúng sẽ có những biểu hiện sau đây:
- Đau nhức dữ dội khi di chuyển các khớp tay
- Tại khớp xuất hiện kèm theo các triệu chứng như sưng, đỏ và nóng rát ở phần xung quanh khớp
- Đau cứng và tê bì đặc biệt vào buổi sáng
- Các hoạt động sử dụng tay bị hạn chế do không thể co duỗi các khớp tay một cách dễ dàng.
4. Nguyên nhân gây đau khớp tay
Mặc dù nó có thể có nhiều nguyên nhân nhưng chỉ có một số nguyên nhân gây ra hầu hết các cơn đau khớp tay. Các nguyên nhân phổ biến thường gặp của đau khớp tay bao gồm:
4.1. Viêm khớp
Đau các khớp ngón tay là bệnh gì? Đau khớp cổ tay là bệnh gì? Đây chắc hẳn là câu hỏi mà nhiều người thường hay thắc mắc khi gặp triệu chứng này.
Các khớp tay là bộ phận phổ biến nhất của cơ thể dễ dẫn đến bệnh viêm khớp. Đây có thể là một phần của quá trình lão hóa và liên quan đến sự mất sụn trong khớp.
Đại đa số những người trên 60 tuổi đề có dấu hiệu thoái hóa khớp ở tay, tuy nhiên một số người có thể bị viêm khớp tay ở độ tuổi sớm hơn.
Ngoài ra, các bệnh viêm xương khớp cũng ảnh hưởng tới khớp tay như viêm khớp dạng thấp. Đây là một bệnh tự miễn, khi đó hệ thống miễn dịch của bạn tấn công lớp niêm mạc của khớp.
4.2. Viêm gân và viêm bao gân
Gân là dây mô collagen gắn cơ với xương. Khi gân bị tổn thương sẽ xảy ra tình trạng viêm gân và viêm bao gân.
- Viêm gân có thể dẫn đến sưng tấy, khó chịu và giảm vận động.
- Viêm bao gân là tình trạng viêm bao gân, lớp màng mỏng bao quanh gân. nó có thể dẫn đến đau khớp, sưng và cứng khớp.
4.3. Hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay này ảnh hưởng đến dây thần kinh giữa, kéo dài từ cẳng tay qua ống cổ tay và vào lòng bàn tay. Người bệnh có thể bị đau hoặc tê ở các khớp ngón tay và bàn tay nếu dây thần kinh giữa bị nén vào bên trong ống cổ tay.
4.4. Khối u
Mặc dù hiếm gặp, các khối u có thể phát triển trong mô mềm, xương, dây chằng hoặc gân của ngón tay. Một khối u trong hoặc gần các khớp tay có thể dẫn đến đau, cứng và giảm khả năng vận động.
4.5. Bệnh xơ cứng bì
Xơ cứng bì là một bệnh khiến da và các cơ quan khác cứng lại. Nó ảnh hưởng đến bàn tay, mặt và một trong những triệu chứng đầu tiên thường là sưng, đau các cơ và khớp ở tay.
4.6. Bệnh gout
Bệnh gout có thể gây tổn thương tại các khớp tay do hàm lượng acid uric cao gây lắng đọng tại các khớp gây đau nhức, khó chịu.
4.7. Chấn thương
Chấn thương ngón tay, cổ tay, khuỷu tay có thể gặp thường xuyên, trong đó chấn thương ngón tay là phổ biến nhất, đặc biệt là ở các vận động viên và những người làm các công việc với máy móc nặng.
Nguyên nhân phổ biến của chấn thương khớp tay bao gồm:
- Bong gân
- Căng cơ hoặc gân bị kéo căng, rách
- Trật khớp ngón tay
- Gãy xương
Ngoài ra, triệu chứng đau khớp tay do những nguyên nhân như:
- Tính chất công việc cần sử dụng nhiều các khớp tay: nhân viên văn phòng, công nhân tại các công trường, vận động viên, thợ mộc, họa sĩ,...
- Di truyền: Nếu người thân trong gia đình mắc các chứng bệnh liên quan đến xương khớp thì bạn có thể xuất hiện triệu chứng đau khớp tay sớm hơn so với những người khác.
- Môi trường sống và thời tiết: Khi thời tiết giao mùa có thể chưa kịp thích nghi đối với thời tiết, sức đề kháng kém khiến các khớp tay bị sưng đau.
- Các khớp tay nhiễm virus, vi khuẩn: Các ký sinh trùng xâm nhập vào khớp tay tạo ra các chất kích hoạt phản ứng viêm và gây đau khớp tay.
5. Khám và chẩn đoán bệnh đau khớp tay
Thông thường đau tay sẽ giải quyết bằng một số phương pháp điều trị đơn giản. Tuy nhiên, trong một số điều kiện cần điều trị khẩn cấp hơn. Bạn nên gọi điện cho bác sĩ nếu:
- Xuất hiện các dấu hiệu nhiễm trùng bao gồm mẩn đỏ, sốt và ớn lạnh
- Biến dạng khớp bàn tay và ngón tay sau khi bị chấn thương
- Mất khả năng uốn cong ngón tay hoặc cầm nắm
- Đau không được cải thiện bằng cách điều trị đơn giản
Ngoài việc dựa vào các dấu hiệu lâm sàng để chẩn đoán triệu chứng đau khớp tay, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm sau:
- Chụp X-quang: Đây là phương pháp để kiểm tra các tổn thương về xương, gãy xương hoặc viêm khớp hay không.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Kiểm tra các mô mềm xung quanh khớp như sụn khớp, dây chằng, mao mạch và dây thần kinh.
- Chọc hút dịch khớp: Đây là phương pháp để xác định đau khớp tay do nhiễm trùng, các chứng viêm tại khớp.
- Đo xung điện thần kinh: Xác định mức độ chèn ép của dây thần kinh cũng như khả năng di chuyển của các khớp tay.
6. Điều trị bệnh đau khớp tay
Đau khớp tay có thể do nguyên nhân bệnh lý hoặc sinh lý, do đó dựa vào nguyên nhân gây ra triệu chứng này mà xác định phương pháp điều trị sao cho phù hợp.
6.1. Vật lý trị liệu
Bên cạnh việc nghỉ ngơi tại nhà, người bệnh có thể tiến hành các phương pháp vật lý liệu tại các cơ sở y tế như:
- Kích thích dòng điện qua da
- Siêu âm trị liệu
- Nhiệt trị liệu
- Massage giảm đau
- Chườm nóng và chườm lạnh
6.2. Thuốc tây
Việc sử dụng thuốc giúp giảm đau và kiểm soát triệu chứng nhanh chóng. Một số thuốc thường được sử dụng như:
- Thuốc giảm đau như paracetamol, NSAID,...
- Các thuốc đặc trị cho bệnh gout như colchicine, allopurinol, febuxostat,...
- Thuốc chống thấp khớp: methotrexate dùng trong đau khớp tay do viêm khớp và viêm khớp vảy nến.
- Thuốc tiêm corticoid nếu tình trạng đau xuất hiện viêm nhiễm. Tuy nhiên thuốc này gây nhiều rủi ro nên chỉ thực hiện khi thật cần thiết.
- Thuốc giãn cơ, thuốc đau nhức thần kinh,... được sử dụng trong hội chứng ống cổ tay và thoái hóa khớp.
- Nếu đau khớp tay do thoái hóa khớp có thể dùng các thuốc có tác dụng phục hồi mô sụn như glucosamine, chondroitin,...
Sử dụng thuốc là phương pháp điều trị được ưu tiên đối với vấn đề xương khớp. Tuy nhiên, nếu lạm dụng những thuốc này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho người sử dụng.
6.3. Thuốc nam
Từ xa xưa, các triệu chứng liên quan đến xương khớp đều được ông cha ta sử dụng các loại thảo dược giúp giảm đau nhức, lành tính và chi phí thấp. Cách chữa đau khớp ngón tay bằng thuốc nam được nhiều người tin tưởng. Dưới đây là một số bài thuốc nam mà bạn có thể tham khảo:
6.3.1. Bài thuốc từ muối và gừng
Chuẩn bị: một củ gừng và muối.
Cách thực hiện: Gừng đem rửa sạch và thái lát mỏng. Sau đó cho vào chảo rang chung với muối hạt cho đến khi hỗn hợp nóng lên. Cuối cùng đổ hỗn hợp ra khăn mỏng và chườm trực tiếp tại khớp bị đau.
6.3.2. Bài thuốc từ muối và ngải cứu
Chuẩn bị: một ngải cứu tươi và muối hạt.
Cách thực hiện: Rửa sạch ngải cứu, để ráo. Sau đó cho ngải cứu đảo cùng muối hạt trong 1 - 2 phút. Cho hỗn hợp trên ra khăn mỏng và chườm lên vùng khớp tay bị đau nhức đến khi hỗn hợp nguội.
6.3.3. Nước sắc rễ cây trinh nữ
Chuẩn bị: 20 - 30 gam rễ cây trinh nữ và 600mL nước.
Cách tiến hành: Rửa sạch rễ trinh nữ và cho vào nồi đun cùng với nước. Đun trên lửa nhỏ đến khi nước sắc cạn còn khoảng 100mL thì gạn lấy phần nước để uống. Lưu ý, chia nước sắc thành 2 lần và uống trong ngày.
6.3.4. Nước sắc lá lốt
Chuẩn bị: 250 gam lá lốt khô và nước.
Cách chế biến: Rửa sạch phần lá lốt và nồi cùng 700mL nước đun trong khoảng 30 phút thì tắt bếp. Sử dụng nước sắc sau bữa ăn tối. Kiên trì thực hiện khoảng 20 ngày để thấy được tác dụng của bài thuốc.
6.4. Bài tập chữa đau khớp tay
Người bệnh có thể tự tập tại nhà các bài tập đơn giản có tác dụng giảm đau khớp tay như:
- Bài tập nắm đấm: Nắm bàn tay tạo thành nắm đấm rồi duỗi ra từ từ.
- Bài tập chạm ngón tay: Dùng ngón tay cái chạm lần lượt vào các ngón tay còn lại.
- Bài tập duỗi căng ngón tay: Đặt bàn tay trên bàn sau đó nâng từng ngón tay khỏi mặt bàn.
Kiên trì tập luyện các bài tập trên có thể cải thiện tình trạng đau khớp tay đối với những người ở giai đoạn nhẹ.
6.5. Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị cuối cùng khi tình trạng đau khớp tay vẫn tiếp diễn mà các phương pháp khác không mang lại hiệu quả điều trị. Các phương pháp phẫu thuật có thể kế đến như:
- Thủ thuật cố định xương khớp: Phương pháp này kiến các khớp hợp nhất vĩnh viễn và có thể chịu được trọng lực mà không gây đau tuy nhiên khớp sẽ kém linh hoạt.
- Thay khớp: Có thể tiến hành thay một hoặc nhiều khớp bị tổn thương nghiêm trọng.
- Phẫu thuật tái tạo khớp được thực hiện phổ biến và mang hiệu quả cao.
7. Đau khớp tay có nguy hiểm không?
Đau khớp tay là tình trạng đau thông thường và không quá nghiêm trọng nếu được nghỉ ngơi và cải thiện bằng những biện pháp thích hợp. Thế nhưng nếu nó có kèm theo các triệu chứng khác thì nó có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý về xương khớp.
Khi xuất hiện các triệu chứng này, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các tình trạng nguy hiểm như:
- Đau nhức kéo dài và tăng số lần xuất hiện, đồng thời khi nghỉ ngơi triệu chứng không thuyên giảm.
- Tê liệt khớp tay
- Biến dạng khớp tay
- Teo cơ
- Mất chức năng vận động của tay, lâu dần dẫn đến tàn phế suốt đời
8. Hướng dẫn chăm sóc người bệnh đau khớp tay
Để phòng ngừa cũng như cải thiện tình trạng đau khớp tay, bạn cần lưu ý những điều sau đây:
- Bổ sung các thực phẩm giàu canxi, rau xanh,... Hạn chế ăn các thực phẩm giàu đạm, đồ ăn cay, nước ngọt có ga và đồ uống có cồn.
- Chế độ sinh hoạt hợp lý bằng cách dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tránh mang vác quá nặng hoặc nên nghỉ ngơi giữa giờ làm việc sao cho hợp lý.
- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao nhẹ nhàng, tránh tác động quá mạnh tới các khớp tay.
- Cải thiện các thói quen hàng ngày như sử dụng công tắc bật đèn thay vì vặn một công tắc núm nhỏ, dùng các móc và dây buộc vòng thay thế các nút trên quần áo,...
Đau khớp tay có thể xảy ra do một số nguyên nhân và có thể ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày của người bệnh. Do đó người bệnh nên đến các cơ sở y tế thăm khám sớm nhất. Hoặc bạn có thể liên lạc theo hotline dưới đây để được chuyên gia tư vấn trực tiếp về tình trạng bệnh của bạn.